Hợp đồng lao động là gì? Bộ luật Lao động 2019 quy định về khái niệm này như thế nào? Hãy cùng MISA MeInvoice theo dõi nội dung dưới đây để tìm hiểu và cập nhật các thông tin này!
I. Một số quy định chung về hợp đồng lao động
– Các loại hợp đồng lao động theo quy định bao gồm: hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động theo mùa, vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
– Nguyên tắc ký hợp đồng lao động là các bên tự nguyện, bình đẳng, phù hợp với các quy định của pháp luật lao động.
– Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động bao gồm: công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, địa điểm làm việc, tiền lương, thời hạn hợp đồng, điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và chính sách bảo hiểm xã hội dành cho người lao động.
– Hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày giao kết hoặc từ ngày do hai bên thỏa thuận hoặc từ ngày người lao động bắt đầu làm việc.
– Trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động, bên sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận sửa đổi nội dung của hợp đồng lao động. Trong trường hợp có sự thay đổi một trong những nội dung chủ yếu về điều kiện lao động thì người lao động có quyền ký hợp đồng lao động mới.
– Chế độ giao kết hợp đồng lao động, thực hiện hợp đồng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2019.
II. Một số phân tích về khái niệm hợp đồng lao động
Trong nền kinh tế thị trường, có nhiều cách thức khác nhau để người sử dụng lao động lựa chọn để sử dụng lao động, điển hình là 2 cách: tuyển dụng lao động trực tiếp; và thuê lại lao động của doanh nghiệp khác.
Trong 2 cách thức tuyển dụng lao động vừa được đề cập trên, cách thức tuyển dụng lao động trực tiếp luôn là cách thức tuyển dụng cơ bản được người sử dụng lao động lựa chọn chủ yếu bởi phương này giúp cho doanh nghiệp có được lực lượng lao động ổn định và bền vững. Hơn nữa, việc thuê lại lao động của doanh nghiệp khác chỉ được áp dụng trong những trường hợp được pháp luật cho phép với những điều kiện hết sức chặt chẽ, do đó, không phải lúc nào người sử dụng lao động cũng có thể áp dụng được phương thức này.
Bên cạnh đó, để có thể trực tiếp tuyển dụng lao động vào làm việc, giữa bên sử dụng lao động và người lao động cần phải tạo lập một văn bản pháp lý, gọi là hợp đồng lao động, đây chính cách để hai bên cam kết, thỏa thuận với nhau để chính thức xác lập mối quan hệ giữa các bên, thiết lập quyền và nghĩa vụ trên cơ sở pháp lý.
Xét về phương diện lịch sử, luật lao động ra đời sau luật dân sự, vì vậy, các quy định của luật dân sự được sử dụng để điều làm quy định điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ lao động nói chung, hợp đồng trong lĩnh vực lao động nói riêng. Cũng vì vậy mà trước đây trong hệ thống pháp luật của nhiều nước như Đức, Pháp, Trung Quốc,… hợp đồng lao động được xác định là một loại hợp đồng dân sự. Điển hình như Bộ luật Dân sự năm 1896 của Đức có quy định như sau:
Thông qua hợp đồng hai bên đã cam kết thực hiện một hoạt động thì phải thực hiện hoạt động đó, còn bên kia có nghĩa vụ trả thù lao theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế thị trường và nhận thức mới về sức lao động đã khiến cho quan niệm về hợp đồng lao động trong hệ thống pháp luật của nhiều nước thay đổi. Đồng thời, quan hệ lao động cá nhân, quan hệ lao động tập thể cũng phát triển theo nhằm duy trì nền hòa bình công nghiệp trong các doanh nghiệp.
Hơn nữa, bên cạnh quan hệ hợp đồng lao động (bao gồm những thỏa thuận trong hợp đồng lao động), những thoả thuận của tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc người đại diện của bên sử dụng lao động (như thỏa ước lao động tập thể) cũng rất được quan tâm và coi trọng. Những thỏa thuận tập thể này đóng vai trò chi phối rất lớn đến những thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Kết quả là, ngày nay, quan hệ lao động không những chịu sự điều chỉnh của luật dân sự mà còn được điều chỉnh bởi các quy định riêng trong luật lao động như Bộ luật Lao Động (Việt Nam), Luật Tiêu chuẩn lao động (Hàn Quốc, Nhật Bản…).
Mặt khác, trong thời kỳ nền kinh tế tập trung trước đây ở một số nước xã hội chủ nghĩa, quan hệ lao động mang nặng tính chất hành chính nên cơ chế điều chỉnh của pháp luật thiên về luật công, còn trong nền kinh tế thị trường, đã có sự thay đổi về sức lao động và quan hệ lao động đã trở về với đúng bản chất của nó, tức là quan hệ trao đổi mua bán sức lao động.
Chính vì vậy, đối với các nước phân chia hệ thống pháp luật thành luật công và luật tư (chẳng hạn như Đức, Pháp,…) đều xếp quan hệ hợp đồng lao động vào lĩnh vực luật tư. Đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, mặc dù chúng ta không phân chia theo hệ thống luật công và luật tư (mà chia theo hệ thống ngành luật) nhưng quan hệ hợp đồng lao động cũng ngày càng được nhìn nhận theo đúng bản chất của nó.
Thực tiễn đã cho thấy, các thỏa thuận trong hợp đồng lao động phải được đề cao và tôn trọng thay thế cho yếu tố can thiệp hành chính của Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ lao động nói chung, hợp đồng lao động nói riêng chỉ ở những mức độ nhất định nhằm hướng tới việc bảo vệ người lao động (chủ thể có vị trí ở thế yếu trong quan hệ lao động).
Trong từ điển tiếng Việt, từ “hợp đồng” được giải thích: “là sự thỏa thuận giao ước giữa hai hay nhiều bên quy định các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia, thường được viết thành văn bản”.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:
Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, về bản chất, hợp đồng là sự thỏa thuận, giao ước giữa các bên tham gia và nội dung của nó phải thể hiện được những quy định về quyền lợi và trách nhiệm (hay nghĩa vụ) của các bên (về từng lĩnh vực cụ thể).
Hợp đồng lao động mang bản chất là một loại hợp đồng (trước đây hợp đồng lao động được xem là hợp đồng dân sự, sau này được tách ra thành một loại hợp đồng riêng), cho nên nó cũng được tính là một khế ước, được hình thành trên cơ sở thỏa thuận của các bên tham gia (bao gồm người sử dụng lao động và người lao động) và nội dung của nó phải liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động như: tiền lương, thời gian và địa điểm làm việc, bảo hiểm xã hội,…
Ngày 30/08/1990, Nhà nước ban hành Pháp lệnh Hợp đồng lao động, đánh dấu cột mốc quan trọng về hợp đồng lao động. Trong đó, Điều 1 có quy định hợp đồng lao động là gì như sau:
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động với người sử dụng thuê mướn lao động (gọi chung là người sử dụng lao động) về việc làm có trả công, mà hai bên cam kết với nhau về điều kiện sử dụng lao động và điều kiện lao động, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Cho đến khi Bộ luật Lao Động năm 2019 có hiệu lực, thì khái niệm hợp đồng lao động được điều chỉnh thành:
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.
Nếu so sánh với Bộ luật Lao động năm 1994 thì khái niệm hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao Động năm 2019 được bổ sung thêm yếu tố “tiền lương”. Định nghĩa này đã nêu được các yếu tố cơ bản nhất của hợp đồng lao động, đó là về bản chất hợp đồng lao động là sự thỏa thuận, thương lượng, giao ước của các bên, chủ thể của hợp đồng lao động là người lao động và người sử dụng lao động, nội dung hợp đồng lao động là việc làm có trả công, tiền lương điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.
Đặc biệt Bộ luật Lao động năm 2019 còn đưa ra quy định sau đây:
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lí, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Điều đó có nghĩa là để xác định một hợp đồng là hợp đồng lao động, chúng ta không chỉ xét đến tên gọi của nó mà còn phải dựa trên nội dung của nó. Nếu nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng có các điều khoản của hợp đồng lao động thì vẫn xác định đó là hợp đồng lao động. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động bằng cách hạn chế tình trạng người sử dụng lao động “biến tướng” hợp đồng lao động dưới các hình thức hợp đồng khác.
Khái niệm và quan điểm này cũng tương đồng với quan điểm của Tổ chức Lao động quốc tế và pháp luật ở các nước trên thế giới về hợp đồng lao động. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, hợp đồng lao động được hiểu là: “Thỏa thuận ràng buộc pháp lý giữa một người sử dụng lao động và một công nhân trong đó xác lập các điều kiện và chế độ làm việc”. Bên cạnh đó, hệ thống khoa học luật lao động của Pháp cũng quan niệm:
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận theo đó một người cam kết sẽ tiến hành một hoạt động theo sự chỉ đạo của người khác, lệ thuộc vào người đó và được trả công
Còn tại Hàn Quốc, hợp đồng lao động được hiểu là: “Hợp đồng có nội dung về việc thỏa thuận người lao động cung cấp sức lao động của mình cho người sử dụng lao động, ngược lại người sử dụng lao động phải trả lương tương xứng với sức lao động của người lao động”.
Như vậy, có thể thấy rằng hợp đồng lao động thực chất là sự thỏa thuận giữa hai chủ thể, một bên là người lao động (có nhu cầu về việc làm), còn một bên là người sử dụng lao động (có nhu cầu thuê mướn người lao động) để mua sức lao động. Người lao động cam kết tự nguyện làm một công việc cho người sử dụng lao động, đồng ý chịu sự quản lý của người sử dụng lao động và được trả lương.
III. Lời kết
Trên đây là tất cả những thông tin giải đáp cho câu hỏi “hợp đồng lao động là gì” và những phân tích cụ thể về khái niệm hợp đồng lao động qua các thời kỳ chỉnh sửa của luật pháp Việt Nam. Hi vọng bạn đọc sẽ áp dụng được những kiến thức này trong hoạt động thường ngày của doanh nghiệp.
Câu hỏi thường gặp |
Hợp đồng lao động là gì theo quy định của Luật lao động 2019?Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động. Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động là gì?Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động bao gồm: công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, địa điểm làm việc, tiền lương, thời hạn hợp đồng, điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và chính sách bảo hiểm xã hội dành cho người lao động |