Home Kiến thức Kiểm toán độc lập là gì? Đặc trưng, mục đích của...

[Mới] Kiểm toán độc lập là gì? Đặc trưng, mục đích của kiểm toán độc lập

11617
kiểm toán độc lập là gì

Kiểm toán độc lập là gì? Có những quy định nào cần chú ý trong Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12? Mời bạn tham khảo các thông tin liên quan đến kiểm toán độc lập trong bài viết này của MISA MeInvoice.

Lưu ý: Trước khi tìm hiểu về kiểm toán độc lập, bạn có thể tìm hiểu những thông tin tổng quan về kiểm toán trong bài viết xem thêm.

Xem thêm: [Mới] Kiểm toán là gì? Những công việc mà kiểm toán viên phải làm

1. Kiểm toán độc lập là gì?

kiểm toán độc lập là gì

Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.

Trong đó:

– Kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật hoặc người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam.

Kiểm toán viên hành nghề là kiểm toán viên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

– Doanh nghiệp kiểm toán là doanh nghiệp có đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.

1.2. Mô hình tổ chức của doanh nghiệp kiểm toán độc lập

Công ty kiểm toán là bộ máy tổ chức bộ máy kiểm toán với số lượng lớn các kiểm toán viên độc lập. Các công ty này thực hiện nhiều loại dịch vụ trên địa bàn rộng lớn. Do đó, chúng được tổ chức theo loại hình phân tán và điều hành theo phương thức chức năng hoặc kết hợp.

Theo mô hình này, các công ty đòi hỏi trình độ tổ chức phối hợp cao của các nhà quản lý, đòi hỏi khả năng chuyên môn cao và toàn diện của kiểm toán viên và lãnh đạo công ty, đòi hỏi đầu tư lớn về chuyên gia, kinh nghiệm và tiền vốn,…

1.3. Khách thể kiểm toán

Để thực hiện dịch vụ kiểm toán cũng như các dịch vụ khác có liên quan như kế toán, thuế, tư vấn, tài chính, tin học,… các tổ chức kiểm toán độc lập có quan hệ với khách hàng tự nguyện hoặc bắt buộc theo quy định của pháp luật.

– Khách thể bắt buộc: là các tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật bắt buộc phải thuê công ty kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán.

Tại Việt Nam, theo Luật Kiểm toán độc lập thì các doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:

  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
  • Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng
  • Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
  • Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán

– Khách thể tự nguyện: là tất cả các đơn vị, cá nhân còn lại có nhu cầu kiểm toán.

1.4. Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán độc lập

Theo quy định tại Điều 7 Luật Kiểm toán độc lập 2011, báo cáo kiểm toán độc lập có giá trị như sau:

– Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính đánh giá tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.

– Báo cáo kiểm toán tuân thủ đánh giá việc tuân thủ pháp luật, quy chế, quy định trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản và các nguồn lực khác của đơn vị được kiểm toán.

– Báo cáo kiểm toán hoạt động đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản và các nguồn lực khác của đơn vị được kiểm toán.

– Báo cáo kiểm toán được sử dụng để:

  • Cổ đông, nhà đầu tư, bên tham gia liên doanh, liên kết, khách hàng và tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi trực tiếp hoặc liên quan đến đơn vị được kiểm toán xử lý các quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan;
  • Cơ quan nhà nước quản lý điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
  • Đơn vị được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời sai sót, yếu kém trong hoạt động của đơn vị.

Doanh nghiệp, kế toán viên quan tâm phần mềm MISA meInvoice & có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm với đầy đủ tính năng trong 7 ngày, vui lòng ĐĂNG KÝ tại đây:

2. Những đặc trưng của của kiểm toán độc lập

2.1. Hoạt động một cách độc lập

Hoạt động kiểm toán độc lập không phụ thuộc vào doanh nghiệp là đối tượng kiểm toán mà kiểm toán độc lập được thực hiện bởi một bên thứ ba, một tổ chức riêng được thành lập theo thủ tục riêng, có tiềm lực tài chính riêng,… Có đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng tốt;

Cá nhân thực hiện hoạt động kiểm toán độc lập cụ thể là các kiểm toán viên, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài trong các lĩnh vực liên quan đến kiểm tra, đánh giá báo cáo tài chính; hoạt động kiểm toán chỉ tuân theo pháp luật về kiểm toán. Vì vậy kết quả kiểm toán của hoạt động kiểm toán luôn đảm bảo độ khách quan và chính xác cao.

2.2. Hoạt động kiểm toán được phát sinh từ hợp đồng kiểm toán

Các công ty, doanh nghiệp đã tiến hành thuê các công ty kiểm toán để thực hiện kiểm tra, đánh giá, lấy ý kiến về các vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp mình. Theo đó, hoạt động kiểm toán độc lập được thực hiện dựa trên sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa công ty kiểm toán và doanh nghiệp cần kiểm toán được thể hiện dưới một hình thức hợp đồng dịch vụ hay cụ thể là hợp đồng kiểm toán.

2.3. Có đối tượng là báo cáo tài chính

Kiểm toán là quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng liên quan đến những thông tin tài chính được kiểm tra (cung cấp bởi kế toán) nhằm xác định và báo cáo về mức độ phù hợp giữa thông tin đó với các chuẩn mực đã được thiết lập.

Có thể nói, kiểm toán hướng đến rất nhiều đối tượng, nhưng nhìn chung những đối tượng này đều trong phạm vi của báo cáo tài chính. Chính vì vậy báo cáo tài chính là đối tượng của hoạt động kiểm toán độc lập.

2.4. Nhằm mục đích chính là thu lợi nhuận

Hoạt động kiểm toán độc lập được thực hiện dựa trên các hợp đồng kiểm toán giữa giữa doanh nghiệp với bên thứ ba trong lĩnh vực kiểm toán. Do đó, có thể nói hoạt động kiểm toán là một nghề nghiệp đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán sẽ thực hiện việc kiểm tra, xác minh tính trung thực của báo cáo tài chính, đổi lại họ sẽ nhận được một khoản thù lao tương ứng với những gì mang lại cho doanh nghiệp.

Như vậy, mục đích chính của kiểm toán độc lập là lợi nhuận thu được từ hoạt động kiểm toán độc lập.

3. Vai trò của kiểm toán độc lập

vai trò của kiểm toán độc lập

3.1. Tạo dựng niềm tin của những bên liên quan

Kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xác minh, đảm bảo tính chính xác, trung thực của bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp (bao gồm bản báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán, bảng lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh báo cáo tài chính).

Thông qua hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, các bên quan tâm đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp như cơ quan thuế nhà nước, các nhà đầu tư, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn, chủ doanh nghiệp sẽ nắm bắt được các thông tin cần thiết đảm bảo được độ tin cậy cao.

Để cho đảm bảo tính khách quan, cần có một đơn vị thứ 3 chuyên nghiệp thực hiện vấn đề này. Bên thứ 3 này sẽ đưa ra các ý kiến có giá trị và độc lập về báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

3.2. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý doanh nghiệp

Hoạt động kiểm toán độc lập sẽ giúp cho chủ doanh nghiệp có được cách nhìn, cách kiểm soát tài chính cho doanh nghiệp mình, tìm ra hướng đi, đưa ra các quyết định cho hoạt động của doanh nghiệp.

Thông qua kiểm toán báo cáo tài chính, chủ doanh nghiệp có thể để nắm bắt, xác minh được tình hình tài chính kế toán của công ty mình theo từng kỳ hạn. Các kiểm toán viên uy tín, hoạt động kiểm toán của các công ty kiểm toán chuyên nghiệp sẽ thực hiện hoạt động kiểm toán và đưa ra được các ý kiến có giá trị cho doanh nghiệp khách hàng.

4. Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12

Sau đây là một quy định cần chú ý của Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 được Quốc hội ban hành vào ngày 29/03/2011 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

Điều 4. Mục đích của kiểm toán độc lập

Hoạt động kiểm toán độc lập nhằm góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán và doanh nghiệp, tổ chức khác; làm lành mạnh môi trường đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; phát hiện và ngăn chặn vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Điều 8. Nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập
1. Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và báo cáo kiểm toán.
2. Tuân thủ chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam; đối với công việc kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán mà yêu cầu áp dụng chuẩn mực kiểm toán khác thì phải tuân thủ chuẩn mực kiểm toán đó.
3. Độc lập, trung thực, khách quan.
4. Bảo mật thông tin.

 

Điều 40. Phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam
1. Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện các dịch vụ sau đây:
a) Các dịch vụ kiểm toán, gồm kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, kiểm toán báo cáo tài chính vì mục đích thuế và công việc kiểm toán khác;
b) Dịch vụ soát xét báo cáo tài chính, thông tin tài chính và dịch vụ bảo đảm khác.
2. Ngoài các dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp kiểm toán được đăng ký thực hiện các dịch vụ sau đây:
a) Tư vấn kinh tế, tài chính, thuế;
b) Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp;
c) Tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị của doanh nghiệp, tổ chức;
d) Dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;
đ) Thẩm định giá tài sản và đánh giá rủi ro kinh doanh;
e) Dịch vụ bồi dưỡng kiến thức tài chính, kế toán, kiểm toán;
g) Dịch vụ liên quan khác về tài chính, kế toán, thuế theo quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của Luật này được thực hiện dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán mà không phải đăng ký.
4. Khi thực hiện dịch vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, doanh nghiệp kiểm toán phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Điều 44. Phí dịch vụ kiểm toán
1. Phí dịch vụ kiểm toán do doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và khách hàng thỏa thuận trong hợp đồng kiểm toán theo căn cứ sau đây:
a) Nội dung, khối lượng và tính chất công việc;
b) Thời gian và điều kiện làm việc của kiểm toán viên hành nghề, kiểm toán viên sử dụng để thực hiện dịch vụ;
c) Trình độ, kinh nghiệm và uy tín của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;
d) Mức độ trách nhiệm và thời hạn mà việc thực hiện dịch vụ đòi hỏi.
2. Phí dịch vụ kiểm toán được tính theo các phương thức sau đây:
a) Giờ làm việc của kiểm toán viên hành nghề, kiểm toán viên;
b) Từng dịch vụ kiểm toán với mức phí trọn gói;
c) Hợp đồng kiểm toán nhiều kỳ với mức phí cố định từng kỳ.

 

Điều 45. Quy trình kiểm toán
1. Quy trình cuộc kiểm toán gồm các bước sau đây:
a) Chấp nhận, duy trì khách hàng và lập kế hoạch kiểm toán;
b) Thực hiện kiểm toán;
c) Kết thúc kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán và xử lý sau kiểm toán.
2. Kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện các bước của quy trình kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán.

5. Mối liên hệ giữa kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ

Giữa kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ tồn tại mối quan hệ chặt chẽ như sau:

– Hội đồng quản trị/Ban kiểm soát có trách nhiệm đảm bảo phối hợp có hiệu quả giữa kiểm toán nội bộ với kiểm toán độc lập.

– Kiểm toán độc lập có thể sử dụng kết quả công việc của kiểm toán nội bộ trong việc tìm hiểu môi trường kiểm soát để đánh giá rủi ro dẫn đến sai sót trong báo cáo cũng như xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng tới hoạt động kiểm toán độc lập của mình.

– Ngược lại, các doanh nghiệp có thể có được đảm bảo về một số hoạt động nhất định thuộc phạm vi của kiểm toán nội bộ từ kết quả của kiểm toán độc lập.

– Phương thức trao đổi và phối hợp giữa hoạt động kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập có thể khác nhau giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù thực hiện theo phương thức nào thì cũng cần đảm bảo tối ưu hóa phạm vi kiểm toán và giảm thiểu sự trùng lặp công việc kiểm toán dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Tạm kết

Trên đây là các thông tin liên quan đến kiểm toán độc lập. Bên cạnh đó, để giúp kế toán tổng hợp, kế toán trưởng theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hóa đơn một cách nhanh chóng, chính xác thông qua các báo cáo, biểu đồ trực quan, MISA tiên phong ra mắt Phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.

MeInvoice đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và có thể kết nối trực tiếp với Tổng Cục Thuế. Qua đó, giúp quá trình thông báo phát hành hóa đơn của khách hàng diễn ra nhanh chóng, tiện lợi hơn và tăng độ tin cậy, tính pháp lý cho hóa đơn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp, kế toán viên quan tâm phần mềm MISA meInvoice & có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm với đầy đủ tính năng trong 7 ngày, vui lòng ĐĂNG KÝ tại đây: