Home Kiến thức Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ – Cách tính thuế...

Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ – Cách tính thuế giá trị gia tăng (P2)

99548

Trong bài viết Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp – Cách tính thuế giá trị gia tăng (P1), chúng ta đã được tìm hiểu về đối tượng cũng như cách tính thuế trực tiếp. Cùng nằm trong chủ đề về thuế giá trị gia tăng, ngày hôm nay MISA meInvoice xin được chia sẻ nội dung chi tiết về cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ – Cách tính thuế (P2). Mời bạn đọc cùng theo dõi.

1. Khấu trừ thuế là gì? 

khấu trừ thuế gtgt là gì

Khấu trừ thuế GTGT là gì?

Khấu trừ thuế là phương pháp khấu trừ được áp dụng đối với các loại thuế hiện nay, là việc doanh nghiệp xác định số thuế GTGT cần phải nộp vào ngân sách Nhà nước dựa trên cơ sở lấy số thuế GTGT đầu ra trừ đi (-) số thuế GTGT đầu vào.

Trong đó, khi DN mua hàng hóa/sản phẩm thì sẽ phải chịu mức thuế GTGT (VAT) đối với loại hàng hóa/sản phẩm đó – gọi là thuế GTGT đầu vào. Nhưng khi DN bán hàng hóa/sản phẩm đó cho người mua hàng thì người mua hàng sẽ phải chịu phần thuế GTGT tính trên giá trị của hàng hóa/sản phẩm đó – gọi là thuế GTGT đầu ra.

Khi đó, số thuế GTGT mà doanh nghiệp phải nộp sẽ = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào.

Cần phải hiểu rõ rằng, bản chất của thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) là đánh vào người tiêu dùng sử dụng sản phẩm/hàng hóa/dịch vụ cuối cùng, không để cùng một mặt hàng nhưng lại bị thu thuế trùng lặp nên mới cần đến hoạt động khấu trừ thuế.

*Ví dụ:

Công ty A nhập về một lô hàng trị giá 300 triệu đồng, mặt hàng này đang chịu mức thuế suất là 10% ⇒ Số thuế GTGT đầu vào mà công ty A cần phải chịu là: 10% * 300 triệu = 30 triệu đồng.

Khi công ty A bán lô hàng cho người mua với mức giá 350 triệu đồng/lô, người mua chịu mức thuế suất VAT 10% đối với mặt hàng này ⇒ Số thuế GTGT đầu ra mà người mua cần phải chịu là: 10% * 350 triệu = 35 triệu đồng.

⇒ Số thuế GTGT công ty A cần nộp vào ngân sách Nhà nước là: 35 triệu – 30 triệu = 5 triệu đồng – Đó chính là việc khấu trừ thuế.

2. Đối tượng áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Đối tượng áp dụng phương pháp khấu trừ thuế là cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo các quy định pháp luật liên quan, bao gồm các đối tượng sau:

  • Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên.
  • Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế bao gồm:
    • Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới 1 tỷ đồng;
    • Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;
    • Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh;
    • Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thực hiện nộp thuế nhà thầu bao gồm thuế GTGT theo hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ;
    • Tổ chức kinh tế khác bao gồm cả tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp hạch toán kế toán đầy đủ, xác định được thuế GTGT đầu vào, đầu ra đăng ký tự nguyện áp dụng.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai, khấu trừ, nộp thay.
  • Chi nhánh mới thành lập của doanh nghiệp hoặc thành lập từ dự án đầu tư của doanh nghiệp mà doanh nghiệp đang nộp thuế theo phương pháp khấu trừ và chi nhánh thuộc trường hợp khai thuế GTGT riêng thì chi nhánh cũng áp dụng phương pháp khấu trừ để kê khai, nộp thuế GTGT.

Lưu ý: Hộ, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

3. Cách xác định số thuế GTGT phải nộp bằng phương pháp khấu trừ thuế

Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế = số thuế GTGT đầu ra trừ (-) số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

công thức tính số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế

Trong đó:

Số thuế GTGT đầu ra bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT. Số thuế của một hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT được xác định bằng:

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định; trên chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu; trên chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài và đáp ứng đầy đủ các điều kiện khấu trừ thuế đầu vào.

4. Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào

4.1 Nguyên tắc khấu trừ chung

Nguyên tắc chung
Nguyên tắc 1: Mục đích sử dụng Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT:

→ Được khấu trừ toàn bộ

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ không kê khai, tính nộp thuế GTGT :

→ Được khấu trừ toàn bộ

  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT:

→ Không được khấu trừ

  • Trừ các trường hợp dưới đây được khấu trừ toàn bộ:

– Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh mua vào để sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

– Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên.

  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ

→ Chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

  • Trường hợp cơ sở kinh doanh không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%):

(Doanh thu chịu thuế GTGT + Doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT)/(Tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra)

Hàng tháng/quý, tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý; cuối năm, thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.

Số thuế GTGT đã nộp theo Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan:

→ Được khấu trừ

(Không được khấu trừ phần giá trị do cơ quan hải quan xử phạt về gian lận, trốn thuế)

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT:

→ Được khấu trừ

  • Thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT:

→ Được khấu trừ toàn bộ

Trong đó: Các trường hợp tổn thất không được bồi thường được khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:

– Thiên tai, hỏa hoạn

– Các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường

– Hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy

(Để đủ điều kiện khấu trừ thuế Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường).

  • Trường hợp hàng hóa có hao hụt tự nhiên do tính chất lý hóa trong quá trình vận chuyển, bơm rót như xăng, dầu…:

→ Được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa thực tế hao hụt tự nhiên không vượt quá định mức hao hụt theo quy định.

(Số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa hao hụt vượt định mức không được khấu trừ).

Nguyên tắc 2: Kỳ phát sinh
  • Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào phải được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.
  • Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
Ghi nhận thuế GTGT không được khấu trừ
  • Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ

→ Hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định.

(Trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt).

 4.2 Nguyên tắc khấu trừ trong một số trường hợp thường gặp

Một số trường hợp thường gặp
Cơ sở kinh doanh sản xuất khép kín sản xuất ra mặt hàng chịu thuế Với cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung có sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT qua các khâu để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT

→ Số thuế GTGT đầu vào tại các khâu được khấu trừ toàn bộ.

Chi phí mua vào dưới hình thức ủy quyền

Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền bao gồm các trường hợp sau đây:

  • Doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cho người tham gia bảo hiểm sửa chữa tài sản; chi phí sửa chữa tài sản cùng các vật tư, phụ tùng thay thế có hóa đơn GTGT ghi tên người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán cho người tham gia bảo hiểm phí bảo hiểm tương ứng theo hợp đồng bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm được kê khai khấu trừ thuế GTGT tương ứng với phần bồi thường bảo hiểm thanh toán theo hóa đơn GTGT đứng tên người tham gia bảo hiểm

(Trường hợp phần bồi thường bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán cho người tham gia bảo hiểm có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng).

  • Trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư

Doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền (đồng thời phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên).

Góp vốn bằng tài sản Bên nhận vốn góp được kê khai khấu trừ thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua tài sản của bên góp vốn trong 2 trường hợp:

– Cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, chứng từ đối với tài sản góp vốn là biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản.

– Tài sản góp vốn là tài sản mới mua, chưa sử dụng, có hóa đơn hợp pháp được hội đồng giao nhận vốn góp chấp nhận thì trị giá vốn góp được xác định theo trị giá ghi trên hóa đơn bao gồm cả thuế GTGT.

Chuyển phương pháp tính thuế
  • Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng khi chuyển sang nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế:

Khấu trừ thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh kể từ kỳ đầu tiên kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.

  • Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế khi chuyển sang nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng

Được tính số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh trong thời gian nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế mà chưa khấu trừ hết vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh trong thời gian nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn)

Hóa đơn, chứng từ không đúng quy định pháp luật Không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:

– Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT);

– Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;

– Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua;

– Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo);

– Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.

 4.3 Nguyên tắc khấu trừ đối với một số đối tượng hàng hóa, dịch vụ đầu vào

Với một số đối tượng hàng hóa, dịch vụ mua vào
Tiền thuê nhà, xây, mua nhà ở cho công nhân
  • Thuế GTGT đối với khoản tiền thuê nhà ở cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp do cơ sở kinh doanh đi thuê thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế và giá cho thuê nhà ở công nhân khu công nghiệp:

→ Được khấu trừ

  • Thuế GTGT phát sinh khi cơ sở kinh doanh xây dựng, mua nhà ở ngoài khu công nghiệp phục vụ cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (tuân thủ quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở công nhân khu công nghiệp):

→ Được khấu trừ

Tiền thuê nhà phải trả cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác
  • Thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cơ sở kinh doanh phải trả cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác, giữ các chức vụ quản lý tại Việt Nam, hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với cơ sở kinh doanh tại Việt Nam:

→ Không được khấu trừ

  • Trường hợp các chuyên gia nước ngoài vẫn là nhân viên của doanh nghiệp ở nước ngoài, chịu sự điều động của doanh nghiệp ở nước ngoài, được doanh nghiệp ở nước ngoài trả lương và hưởng các chế độ của doanh nghiệp ở nước ngoài trong thời gian sang Việt Nam công tác, giữa doanh nghiệp ở nước ngoài và cơ sở kinh doanh tại Việt Nam có hợp đồng bằng văn bản nêu rõ doanh nghiệp tại Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam:

→ Thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do cơ sở kinh doanh tại Việt Nam chi trả được khấu trừ.

Ô tô từ 9 chỗ trở xuống, giá trị trên 1,6 tỷ
  • Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT):

Chỉ được khấu trừ đầu vào số thuế GTGT tương ứng với phần trị giá không vượt trên 1,6 tỷ đồng; số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.

Riêng ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô: được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

Chi phí liên quan tới tài sản, máy móc, thiết bị đối với một số nhóm ngành Thuế GTGT đầu vào liên quan tới các hoạt động mua sắm, lắp đặt, đi thuê, bảo hành, sửa chữa tài sản cố định, máy móc, thiết bị trong các trường hợp sau đây:

– Chuyên dùng phục vụ sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh

– Của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh chứng khoán, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở đào tạo

– Tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn

→ Không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá của tài sản cố định hoặc chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

 4.4 Nguyên tắc khấu trừ thuế  GTGT đối với đối tượng cơ sở kinh doanh đặc thù

Với một số đối tượng cơ sở kinh doanh đặc thù
Chi phí đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp

Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định phục vụ cho sản xuất:

– Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

– Tàu đánh bắt xa bờ

– Thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác

mà các sản phẩm hàng hóa này tiêu thụ trong nước

→ Không được kê khai, khấu trừ mà tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đơn vị không phải người nộp thuế GTGT

Văn phòng Tổng công ty, tập đoàn không trực tiếp hoạt động kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc (như: Bệnh viện, Trạm xá, Nhà nghỉ điều dưỡng, Viện, Trường đào tạo…) không phải là người nộp thuế GTGT:

Không được khấu trừ hay hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động của các đơn vị này.

Trường hợp các đơn vị này có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT:

Phải đăng ký, kê khai nộp thuế GTGT riêng cho các hoạt động này.

Có dự án đầu tư

Cơ sở sản xuất kinh doanh có dự án đầu tư:

– Thực hiện đầu tư theo nhiều giai đoạn (bao gồm cả cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập, có phương án sản xuất, kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung)

– Sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT

– Nhưng trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản có cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT

→ Số thuế GTGT đầu vào trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định được khấu trừ toàn bộ.

(Cần phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào không sử dụng cho đầu tư tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT để kê khai khấu trừ theo tỷ lệ (%) giữa doanh số chịu thuế GTGT so với tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra).

Cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư để tiếp tục sản xuất, chế biến và có văn bản cam kết tiếp tục sản xuất sản phẩm chịu thuế GTGT

→ Được kê khai, khấu trừ thuế GTGT ngay từ giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản.

Lưu ý: Số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư XDCB đã được kê khai, khấu trừ, hoàn thuế nhưng các kỳ sau đó xác định không đủ điều kiện, khấu trừ, hoàn thuế thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh nộp lại tiền thuế GTGT đã khấu trừ, hoàn thuế.

Cơ sở sản xuất kinh doanh có dự án đầu tư (bao gồm cả cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập):

Vừa đầu tư vào sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, vừa đầu tư vào sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT

→ Số thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản được tạm khấu trừ theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu của ang hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu của ang hóa, dịch vụ bán ra theo phương án sản xuất, kinh doanh.

→ Số thuế tạm khấu trừ được điều chỉnh theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra trong ba năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu.

Lưu ý: cơ quan thuế không xử phạt chậm nộp, không tính lãi chậm nộp đối với số thuế giá trị gia tăng của tài sản cố định được khấu trừ phải điều chỉnh giảm.

 

→ Xem thêm:

Bài viết trên đây có tham khảo và căn cứ các cơ sở pháp lý sau:

Căn cứ pháp lý Vấn đề đề cập Thời điểm có hiệu lực
Luật số 31/2013/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng 01/01/2014
Nghị định 209/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế Giá trị gia tăng 01/01/2014
Nghị định 91/2014/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế 15/11/2014
Thông tư 151/2014/TT-BTC Hướng dẫn thi hành nghị định 91/2014/NĐ-CP 15/11/2014
Thông tư 219/2013/TT-BTC Hướng dẫn thi hành luật và nghị định 209/2013/NĐ-CP về thuế Giá trị gia tăng 01/01/2014
Nghị định 12/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số quy định về thuế 01/01/2015
Thông tư 26/2015/TT-BTC Hướng dẫn về thuế Giá trị gia tăng và quản lý thuế 01/01/2015

Bài viết đã trình bày tới bạn đọc đầy đủ nội dung về đối tượng áp dụng, cách thức xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ, các nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. MISA meInvoice hy vọng bài viết có thể là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, đồng hành cùng bạn đọc để xử lý trôi chảy mọi vấn đề về thuế phát sinh trong doanh nghiệp.  Chúc các bạn thành công!

Bên cạnh đó, doanh nghiệp quan tâm phần mềm hóa đơn điện tử MISA meInvoice & có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ đầy đủ tính năng hóa đơn điện tử MISA trong 7 ngày, vui lòng liên hệ Hotline: 090 488 5833 hoặc ĐĂNG KÝ tại đây: