Home Kiến thức Kết cấu tài khoản 133 và cách hạch toán kế toán...

[TK 133] Kết cấu tài khoản 133 và cách hạch toán kế toán (Thuế GTGT được khấu trừ)

22697
kế toán tài khoản 133

Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ là tài khoản dùng để làm gì? Cách hạch toán loại tài khoản 133? Nội dung dưới đây của MISA MeInvoice sẽ cung cấp đến bạn câu trả lời cụ thể cho vấn đề này.

Xem thêm:

1. Nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 133 – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ

nguyên tắc kế toán tài khoản 133

a) Tài khoản 133 là tài khoản được dùng để phản ánh số thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ, đã khấu trừ và còn được khấu trừ của doanh nghiệp.

b) Kế toán phải hạch toán riêng thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và thuế Giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ.

Trường hợp không thể hạch toán riêng được thì số thuế Giá trị gia tăng đầu vào được hạch toán vào tài khoản 133. Cuối kỳ, kế toán viên cần phải xác định số thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ và không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế Giá trị gia tăng.

c) Số thuế Giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ được tính vào giá trị tài sản được mua, giá vốn của hàng bán ra hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.

d) Việc kế toán viên xác định số thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ, kê khai, quyết toán, nộp thuế phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về thuế Giá trị gia tăng.

2. Kết cấu và nội dung của tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ

Bên Nợ gồm có:

– Số thuế Giá trị gia tăng đầu vào của doanh nghiệp được khấu trừ.

Bên Có gồm có:

– Số thuế Giá trị gia tăng đầu vào đã khấu trừ;

– Kết chuyển số thuế Giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ;

– Thuế Giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã trả lại, được giảm giá;

– Số thuế Giá trị gia tăng đầu vào đã được hoàn lại.

Số dư bên Nợ:

Số thuế Giá trị gia tăng đầu vào còn được khấu trừ, số thuế Giá trị gia tăng đầu vào được hoàn lại nhưng Ngân sách nhà nước chưa hoàn trả.

Có 2 tài khoản cấp 2 thuộc tài khoản 133 – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ:

– Tài khoản 1331 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: Phản ánh thuế Giá trị gia tăng đầu vào của doanh nghiệp được khấu trừ của vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng tính theo phương pháp khấu trừ thuế.

– Tài khoản 1332 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ của tài sản cố định: Phản ánh thuế Giá trị gia tăng đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng tính theo phương pháp khấu trừ thuế, của quá trình mua sắm bất động sản đầu tư.

3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu của tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ

kế toán tài khoản 133

Giao dịch kinh tế Cách ghi
✅Khi doanh nghiệp mua hàng tồn kho, tài sản cố định, bất động sản cố định, nếu thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ
  • Nợ Tài khoản 152 , TK 153, TK 156, 211, 217, 611 (giá chưa có Thuế Giá trị gia tăng)
  • Nợ Tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ (1331, 1332)
  • Có các Tài khoản 111, 112, 331,… (Tổng giá thanh toán).
✅Khi doanh nghiệp mua vật tư, công cụ, dịch vụ dùng ngay vào sản xuất, kinh doanh, nếu thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ
  • Nợ các Tài khoản 154, 642, 241, 242,… (Giá mua chưa có thuế Giá trị gia tăng)
  • Nợ Tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ (1331)
  • Có Tài khoản 111, TK 112, 331,… (Tổng giá thanh toán).
✅Khi doanh nghiệp mua hàng hóa giao bán ngay cho khách hàng (Không qua nhập kho) nếu Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ
  • Nợ Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán (Giá mua chưa có thuế Giá trị gia tăng)
  • Nợ tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ (1331)
  • Có các Tài khoản 111, 112, 331,… (Tổng giá thanh toán)
✅Khi doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, hàng hoá, tài sản cố định – Kế toán phản ánh giá trị vật tư, hàng hóa, tài sản cố định nhập khẩu bao gồm tổng số tiền phải thanh toán cho người bán (Theo tỷ giá giao dịch thực tế), thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường phải nộp (nếu có), chi phí vận chuyển, ghi:
  • Nợ Tài khoản 152, 153, 156, TK 211
  • Có Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331, 3332, 3333, 3338)
  • Có Tài khoản 111, 112, 331,. . .

– Nếu thuế Giá trị gia tăng đầu vào hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:

  • Nợ Tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ (1331, 1332)
  • Có Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312).
✅Trường hợp hàng đã được mua và đã trả lại hoặc hàng đã mua được giảm giá do kém, mất phẩm chất: Kế toán viên cần căn cứ vào chứng từ xuất hàng trả lại cho bên bán và các chứng từ liên quan, kế toán cũng phải phản ánh giá trị hàng đã mua và đã trả lại cho người bán hoặc hàng đã mua được giảm giá, số thuế Giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ
  • Nợ Tài khoản 111, 112, 331 (Tổng giá thanh toán)
  • Có Tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ (Thuế Giá trị gia tăng đầu vào của hàng mua trả lại hoặc được giảm giá)
  • Có các Tài khoản 152, 153, 156, 211,… (Giá mua chưa có thuế Giá trị gia tăng).
✅Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ – Khi mua vật tư, hàng hoá, tài sản cố định, ghi:
  • Nợ Tài khoản các 152, 153, 156, 211, 213 (Giá mua chưa có thuế Giá trị gia tăng)
  • Nợ Tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ (Thuế Giá trị gia tăng đầu vào)
  • Có Tài khoản 111, 112, 331,…

– Cuối kỳ, kế toán viên cần tính và xác định thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ, không được khấu trừ theo quy định của Pháp luật về thuế Giá trị gia tăng. Đối với số thuế Giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:

  • Nợ Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán
  • Có Tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ (1331).
✅Vật tư, hàng hóa, tài sản cố định mua vào bị tổn thất do thiên tai, hỏa hoạn, bị mất, xác định do trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phải bồi thường , nếu thuế Giá trị gia tăng đầu vào của số hàng hóa này không được khấu trừ: – Trường hợp thuế Giá trị gia tăng của vật tư, hàng hoá, tài sản cố định mua vào bị tổn thất chưa xác định được nguyên nhân chờ xử lý, ghi:
  • Nợ Tài khoản 138 – Phải thu khác (1381)
  • Có Tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ (1331, 1332).

– Trường hợp thuế Giá trị gia tăng của vật tư, hàng hoá, tài sản cố định mua vào bị tổn thất khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền về số thu bồi thường của các tổ chức, cá nhân, ghi:

  • Nợ các Tài khoản 111, 334,… (Số thu bồi thường)
  • Nợ Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán (Nếu được tính vào chi phí)
  • Có Tài khoản 138 – Phải thu khác (1381)
  • Có Tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ (Nếu xác định được nguyên nhân và có quyết định xử lý ngay).
✅Cuối kỳ, kế toán viên cần xác định số thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ vào số thuế Giá trị gia tăng đầu ra khi xác định số thuế Giá trị gia tăng phải nộp trong kỳ
  • Nợ Tài khoản 3331 – Thuế Giá trị gia tăng phải nộp (33311)
  • Có Tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ.
✅Khi được hoàn thuế Giá trị gia tăng đầu vào
  • Nợ các Tài khoản 111, 112,…
  • Có Tài khoản 133 – Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ (1331, 1332).

Tạm kết

Trên đây là các thông tin liên quan đến các phương pháp hạch toán tài khoản 133. Bên cạnh đó, để giúp kế toán tổng hợp, kế toán trưởng theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hóa đơn một cách nhanh chóng, chính xác thông qua các báo cáo, biểu đồ trực quan, MISA tiên phong ra mắt Phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.

MeInvoice đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và có thể kết nối trực tiếp với Tổng Cục Thuế. Qua đó, giúp quá trình thông báo phát hành hóa đơn của khách hàng diễn ra nhanh chóng, tiện lợi hơn và tăng độ tin cậy, tính pháp lý cho hóa đơn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp, kế toán viên quan tâm phần mềm MISA meInvoice & có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm với đầy đủ tính năng trong 7 ngày, vui lòng ĐĂNG KÝ tại đây: