Home Kiến thức Kết cấu tài khoản 136 (Phải thu nội bộ) và cách...

[TK 136] Kết cấu tài khoản 136 (Phải thu nội bộ) và cách hạch toán

13370
nguyên tắc kế toán tài khoản 136

Tài khoản 136 – Phải thu nội bộ là gì? Tài khoản này có kết cấu và nội dung như thế nào? Bài viết sau đây của MISA MeInvoice sẽ hướng dẫn bạn cách hạch toán tài khoản 136 một cách chi tiết nhất.

Lưu ý: Bạn có thể tìm hiểu thêm về các tài khoản kế toán khác tại bài viết tổng hợp xem thêm.

Xem thêm: Hệ thống tài khoản kế toán theo thông tư 200 mới nhất file Excel 2022

1. Nguyên tắc kế toán tài khoản 136 – Phải thu nội bộ

nguyên tắc kế toán tài khoản 136

a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp với đơn vị cấp dưới hoặc giữa các đơn vị cấp dưới trực thuộc doanh nghiệp độc lập. Các đơn vị cấp dưới trực thuộc trong trường hợp này là các đơn vị không có tư cách pháp nhân, hạch toán phụ thuộc nhưng có tổ chức công tác kế toán, như các chi nhánh, xí nghiệp, ban quản lý dự án,… hạch toán phụ thuộc doanh nghiệp.

b) Quan hệ thanh toán giữa doanh nghiệp với các công ty thành viên, xí nghiệp… là đơn vị có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập không phản ánh trong tài khoản này mà phản ánh như đối với các công ty con.

c) Nội dung các khoản phải thu nội bộ phản ánh vào tài khoản 136 bao gồm:

– Ở doanh nghiệp cấp trên:

  • Vốn, quỹ hoặc kinh phí đã giao, đã cấp cho cấp dưới;
  • Các khoản cấp dưới phải nộp lên cấp trên theo quy định;
  • Các khoản nhờ cấp dưới thu hộ;
  • Các khoản đã chi, đã trả hộ cấp dưới;
  • Các khoản đã giao cho đơn vị trực thuộc để thực hiện khối lượng giao khoán nội bộ và nhận lại giá trị giao khoán nội bộ;
  • Các khoản phải thu vãng lai khác.

– Ở đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc:

  • Các khoản được doanh nghiệp cấp trên cấp nhưng chưa nhận được;
  • Giá trị sản phẩm, hàng hóa dịch vụ chuyển cho đơn vị cấp trên hoặc các đơn vị nội bộ khác để bán; Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị nội bộ;
  • Các khoản nhờ doanh nghiệp cấp trên hoặc đơn vị nội bộ khác thu hộ;
  • Các khoản đã chi, đã trả hộ doanh nghiệp cấp trên và đơn vị nội bộ khác;
  • Các khoản phải thu nội bộ vãng lai khác.

d) Tài khoản 136 phải hạch toán chi tiết theo từng đơn vị cấp dưới có quan hệ thanh toán và theo dõi riêng từng khoản phải thu nội bộ. Doanh nghiệp cần có biện pháp đôn đốc giải quyết dứt điểm các khoản nợ phải thu nội bộ trong kỳ kế toán.

đ) Cuối kỳ kế toán, phải kiểm tra, đối chiếu và xác nhận số phát sinh, số dư tài khoản 136 “Phải thu nội bộ”, tài khoản 336 “Phải trả nội bộ” với các đơn vị cấp dưới có quan hệ theo từng nội dung thanh toán. Tiến hành thanh toán bù trừ theo từng khoản của từng đơn vị cấp dưới có quan hệ, đồng thời hạch toán bù trừ trên 2 tài khoản 136 “Phải thu nội bộ”
và tài khoản 336 “Phải trả nội bộ” (theo chi tiết từng đối tượng). Khi đối chiếu, nếu có chênh lệch, phải tìm nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời.

2. Kết cấu và nội dung của tài khoản 136 – Phải thu nội bộ

Bên Nợ gồm có:

– Số vốn kinh doanh đã giao cho đơn vị cấp dưới;

– Kinh phí chủ đầu tư giao cho ban quản lý dự án; Các khoản khác được ghi tăng số phải thu của chủ đầu tư đối với ban quản lý dự án;

– Các khoản đã chi hộ, trả hộ doanh nghiệp cấp trên hoặc các đơn vị nội bộ;

– Số tiền doanh nghiệp cấp trên phải thu về, các khoản đơn vị cấp dưới phải nộp;

– Số tiền đơn vị cấp dưới phải thu về, các khoản cấp trên phải giao xuống;

– Số tiền phải thu về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ giữa các đơn vị nội bộ với nhau.

– Các khoản phải thu nội bộ khác.

Bên Có gồm có:

– Thu hồi vốn, quỹ ở đơn vị cấp dưới;

– Quyết toán với đơn vị cấp dưới về kinh phí sự nghiệp đã cấp, đã sử dụng;

– Giá trị tài sản cố định hoàn thành chuyển lên từ ban quản lý dự án; Các khoản khác được ghi giảm số phải thu của chủ đầu tư đối với ban quản lý dự án;

– Số tiền đã thu về các khoản phải thu trong nội bộ;

– Bù trừ phải thu với phải trả trong nội bộ của cùng một đối tượng.

Số dư bên Nợ gồm có:

– Số nợ còn phải thu ở các đơn vị nội bộ.

Có 4 tài khoản cấp 2 thuộc tài khoản 136 – Phải thu nội bộ:

– Tài khoản 1361 – Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc: Tài khoản này chỉ mở ở doanh nghiệp cấp trên để phản ánh số vốn kinh doanh hiện có ở các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc do doanh nghiệp cấp trên giao.

Tài khoản này không phản ánh số vốn công ty mẹ đầu tư vào các công ty con hoặc số vốn doanh nghiệp đầu tư các đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập. Vốn đầu tư vào các đơn vị trên trong trường hợp này phản ánh trên tài khoản 221 “Đầu tư vào công ty con”.

– Tài khoản 1362 – Phải thu nội bộ về chênh lệch tỷ giá: Tài khoản này chỉ mở ở các doanh nghiệp là Chủ đầu tư có thành lập ban quản lý dự án, dùng để phản ánh khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh ở các ban quản lý dự án chuyển lên.

– Tài khoản 1363 – Phải thu nội bộ về chi phí đi vay đủ điều kiện được vốn hoá: Tài khoản này chỉ mở ở các doanh nghiệp là Chủ đầu tư có thành lập ban quản lý dự án, dùng để phản ánh khoản chi phí đi vay được vốn hóa phát sinh tại ban quản lý dự án.

– Tài khoản 1368 – Phải thu nội bộ khác: Phản ánh tất cả các khoản phải thu khác giữa các đơn vị nội bộ.

3. Phương pháp kế toán một số nghiệp vụ chủ yếu của tài khoản 136 – Phải thu nội bộ theo Thông tư 133/2016/TT-BTC

phương pháp hạch toán tài khoản 136

Căn cứ vào nguyên tắc kế toán tài khoản 136 và các tài khoản có liên quan; căn cứ vào kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 136 và các tài khoản có liên quan, KẾ TOÁN HÀ NỘI xin hướng dẫn kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu sau:

3.1. Hạch toán tài khoản 136 – Phải thu nội bộ, ở đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc

– Khi đơn vị cấp dưới nhận được vốn do Tổng công ty, công ty giao xuống, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112,…
  • Có TK 411 -­ Nguồn vốn kinh doanh

– Khi chi hộ, trả hộ cho đơn vị cấp trên và các đơn vị nội bộ khác, ghi:

  • Nợ TK 136 -­­ Phải thu nội bộ (1368)
  • Có các TK 111, 112,…

– Căn cứ vào thông báo hoặc chứng từ xác nhận của đơn vị cấp trên về số quỹ khen thưởng, phúc lợi được cấp, ghi:

  • Nợ TK 136 ­-­ Phải thu nội bộ (1368)
  • Có các TK 353 – Quỹ khen thưởng phúc lợi

– Số lỗ về hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được cấp trên chấp nhận cấp bù, ghi:

  • Nợ TK 136 ­-­­ Phải thu nội bộ (1368)
  • Có TK 421 -­ Lợi nhuận chưa phân phối

– Khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp, tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và phân cấp của từng đơn vị:

a) Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp ghi nhận doanh thu, ghi:

  • Nợ TK 136­ -­ Phải thu nội bộ (1368)
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết giao dịch bán hàng nội bộ)
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (chi tiết từng loại thuế).

Đồng thời ghi nhận giá vốn, ghi:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
  • Có các TK 154, TK 155, TK 156 (giá vốn sản phẩm, hàng hóa)

b) Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp ghi nhận doanh thu, khi đó giá trị sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp nội bộ được phản ánh là khoản phải thu nội bộ, ghi:

  • Nợ TK 136 -­ Phải thu nội bộ (1368)
  • Có các TK 154, 155, 156 (giá vốn sản phẩm, hàng hóa)
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (chi tiết từng loại thuế – nếu có).

– Khi nhận được tiền hoặc vật tư, tài sản của cấp trên hoặc đơn vị nội bộ khác thanh toán về các khoản phải thu, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112, 152, 153,…
  • Có TK 136 ­-­ Phải thu nội bộ (1368)

– Bù trừ các khoản phải thu nội bộ với các khoản phải trả nội bộ của cùng một đối tượng, ghi:

  • Nợ TK 336 ­-­ ­ Phải trả nội bộ (3368)
  • Có TK 136 ­-­ Phải thu nội bộ (1368)

3.2. Hạch toán tài khoản 136 – Phải thu nội bộ, ở đơn vị cấp trên

– Khi đơn vị cấp trên (Tổng công ty, công ty) giao vốn kinh doanh cho đơn vị cấp dưới:

a) Trường hợp giao vốn bằng tiền, ghi:

  • Nợ TK 136 ­-­ ­ Phải thu nội bộ (1361 – Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc)
  • Có các TK 111, 112.

b) Trường hợp giao vốn bằng TSCĐ, ghi:

  • Nợ TK 136 ­-­ Phải thu nội bộ (1361) (giá trị còn lại của TSCĐ)
  • Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn của TSCĐ)
  • Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá)

– Đối với trường hợp đơn vị cấp dưới phải hoàn lại vốn kinh doanh cho đơn vị cấp trên, khi nhận được tiền do đơn vị cấp dưới nộp lên, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112.
  • Có TK 136 ­-­ Phải thu nội bộ (1361)

– Khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp, tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và phân cấp của từng đơn vị, doanh nghiệp có thể ghi nhận doanh thu tại thời điểm chuyển giao hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị cấp dưới hoặc tại thời điểm đơn vị cấp dưới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra bên ngoài:

a) Trường hợp doanh nghiệp (đơn vị cấp trên) ghi nhận doanh thu tại thời điểm chuyển giao hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị cấp dưới, ghi:

  • Nợ TK 136 ­-­ ­ Phải thu nội bộ (1368)
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết giao dịch bán hàng nội bộ)
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (chi tiết từng loại thuế)

Đồng thời ghi nhận giá vốn, ghi:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
  • Có các TK 154, 155, 156 (giá vốn sản phẩm, hàng hóa)

b) Trường hợp doanh nghiệp không phải ghi nhận doanh thu tại thời điểm chuyển giao hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị cấp dưới:

Khi chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, ghi:

  • Nợ TK 136 ­-­ Phải thu nội bộ (1368) (Giá vốn và thuế – nếu có)
  • Có các TK 154, 155, 156 (giá vốn sản phẩm, hàng hóa)
  • Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (chi tiết từng loại thuế – nếu có).

Khi đơn vị cấp dưới thông báo đã tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho bên thứ ba bên ngoài doanh nghiệp, kế toán phản ánh doanh thu, ghi:

  • Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (1368)
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết giao dịch bán hàng nội bộ)

Đồng thời ghi nhận giá vốn, ghi:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
  • Có TK 136 – Phải thu nội bộ (1368) (Giá vốn và thuế – nếu có)

– Khoản phải thu về lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động khác ở các đơn vị cấp dưới, ghi:

  • Nợ TK 136 ­-­­ Phải thu nội bộ (1368)
  • Có TK 421 -­ Lợi nhuận chưa phân phối

– Khi chi hộ, trả hộ các khoản nợ của đơn vị cấp dưới, ghi:

  • Nợ TK 136 ­-­­ Phải thu nội bộ (1368)
  • Có các TK 111, 112,…

– Khi thực nhận được tiền của đơn vị cấp dưới chuyển trả về tiền lãi kinh doanh, thanh toán các khoản đã chi hộ, trả hộ, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112,…
  • Có TK 136 ­-­ Phải thu nội bộ (1368)

– Bù trừ các khoản phải thu nội bộ với các khoản phải trả nội bộ của cùng một đối tượng, ghi:

  • Nợ TK 336 ­­-­ Phải trả nội bộ (3368)
  • Có TK 136 ­ -­ Phải thu nội bộ (1368)

Tạm kết

Trên đây là các thông tin liên quan đến các phương pháp hạch toán tài khoản 136 – Phải thu nội bộ. Bên cạnh đó, để giúp kế toán tổng hợp, kế toán trưởng theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hóa đơn một cách nhanh chóng, chính xác thông qua các báo cáo, biểu đồ trực quan, MISA tiên phong ra mắt Phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.

MeInvoice đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và có thể kết nối trực tiếp với Tổng Cục Thuế. Qua đó, giúp quá trình thông báo phát hành hóa đơn của khách hàng diễn ra nhanh chóng, tiện lợi hơn và tăng độ tin cậy, tính pháp lý cho hóa đơn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp, kế toán viên quan tâm phần mềm MISA meInvoice & có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm với đầy đủ tính năng trong 7 ngày, vui lòng ĐĂNG KÝ tại đây: