Home Kiến thức Báo cáo tài chính là gì? 6 điều nhất định cần biết...

Báo cáo tài chính là gì? 6 điều nhất định cần biết về BCTC

67114
báo cáo tài chính là gì

Báo cáo tài chính là một trong hồ sơ không thể thiếu trong các doanh nghiệp với mục đích thống kê lại tất cả các hoạt động kinh doanh và liên quan đến ngân sách của doanh nghiệp. Mời bạn cùng MISA meInvoice tham khảo các thông tin liên quan đến báo cáo tài chính trong bài viết sau đây.

Có thể bạn quan tâm?

1. Tổng quan về báo cáo tài chính

1.1. Báo cáo tài chính là gì?

báo cáo tài chính là gì

Báo cáo tài chính là các thông tin kinh tế được trình bày dưới dạng bảng biểu để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh cũng như luồng tiền của một doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính còn là phương tiện để trình bày khả năng sinh lợi nhuận, thực trạng tài chính doanh nghiệp tới các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, Cơ quan thuế, Ngân hàng, Các cơ quan chức năng…

Theo quy định, tất cả các doanh nghiệp trực thuộc các ngành, thành phần kinh tế đều phải lập và trình bày báo cáo tài chính năm. Tuy nhiên, các công ty (tổng công ty) có các đơn vị kinh tế trực thuộc, thì bên cạnh việc báo cáo tài chính năm sẽ phải làm báo cáo tài chính tổng hợp vào cuối kỳ kế toán.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước, doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì bên cạnh việc lập báo cáo tài chính năm, sẽ phải lập thêm báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ.

1.2. Báo cáo tài chính tiếng anh là gì?

Báo cáo tài chính tiếng Anh là Financial Statement. Ngoài ra một số thuật ngữ về báo cáo tài chính tiếng anh thông dụng bạn có thể tham khảo bảng dưới đây.

Tiếng Việt Tiếng Anh
Bảng cân đối kế toán Balance sheet
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Statement of income
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Cash flow statement
Bản thuyết minh báo cáo tài chính Notes to the financial statements

1.3. Ai là người sử dụng báo cáo tài chính?

Có 2 nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng báo cáo tài chính là:

  • Đối tượng bên trong doanh nghiệp: Là chủ doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp cần đọc báo báo tài chính để nắm bắt hiện trạng công ty để từ đó đưa ra được các định hướng phát triển đúng đắn đồng thời tối ưu hóa kinh doanh đem lại giá trị cho doanh nghiệp.
  • Đối tượng bên ngoài doanh nghiệp:
    • Nhà đầu tư: Xem xét khả năng tạo ra doanh thu, mức độ an toàn của vốn đầu tư, khả năng trả lãi, phân chia lợi nhuận nhằm đưa ra quyết định
    • Nhà cung cấp, người cho vay: Xem xét khả năng thanh toán, sự ổn định tài chính trong dài hạn của doanh nghiệp từ đó quyết định xem có nên mở rộng quan hệ tín dụng không, có nên tiếp tục cho vay hoặc cho trả chậm hàng hóa/ dịch vụ không.
    • Các cơ quan chức năng: Xem xét xem doanh nghiệp có tuân thủ đúng quy định pháp luật không cũng như kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, xác định số thuế mà doanh nghiệp đó phải nộp gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng
    • Kiểm toán viên: Kiểm tra về tính trung thực, hợp lý của thông tin trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

1.4. Mục đích của báo cáo tài chính

Căn cứ theo điều 97, Thông tư 200/2014/TT-BTC có quy định về mục đích của BCTC như sau:

Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.

Trong báo cáo tài chính phải cung cấp đầy đủ các thông tin của một doanh nghiệp về:

  • Tài sản
  • Nợ phải trả
  • Vốn chủ sở hữu
  • Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác
  • Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh
  • Các luồng tiền.

Ngoài ra trong BCTC cần có bản Bản thuyết minh Báo cáo tài chính nhằm mục đích giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các BCTC tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày BCTC.

 

1.5. Vai trò của báo cáo tài chính

Một số vai trò quan trọng của báo cáo tài chính có thể kể đến như:

  • Cơ sở đưa ra các quyết định quan trọng: Việc đọc BCTC giúp các nhà quản lý xác định các xu hướng, rào cản tiềm ẩn và chủ động theo dõi hiệu suất tài chính của doanh nghiệp trong thời gian thực đưa ra các quyết định kinh tế nhanh chóng và đúng đắn khi thời điểm đến.
  • Quản lý nợ: BCTC cung cấp cho chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý cái nhìn sâu sắc, trực tiếp về tài sản và nợ hiện tại của doanh nghiệp giúp quản lý hiệu quả khoản nợ tồn đọng trong tương lai.
  • Đơn giản hóa thuế: BCTC chính xác sẽ giảm thiểu rủi ro sai sót, tiết kiệm thời gian và giảm bớt gánh nặng tổng thể đi kèm với việc nộp thuế của công ty mỗi năm.
  • Tuân thủ pháp luật: Việc lập BCTC cũng nhằm đảm bảo công ty tuân thủ luật pháp và các quy định do cơ quan chính phủ yêu cầu.
  • Minh bạch tài chính: Khi các đối tác muốn đầu tư vào doanh nghiệp đều cần nghiên cứu báo cáo tài chính giúp họ có cái nhìn tổng quát nhất về doanh nghiệp. Đây cũng là công cụ để doanh nghiệp thể hiện tính toàn vẹn về tài chính tạo niềm tin với nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng.

2. Báo cáo tài chính gồm những gì?

Một báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm các tờ khai quyết toán thuế (cho doanh nghiệp và cá nhân), bảng cân đối kế toán, bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệbản thuyết minh báo cáo tài chính.

Mỗi phần sẽ có đặc điểm riêng biệt nhưng đều yêu cầu cung cấp thông tin trung thực, chính xác.

2.1. Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán bao gồm tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Bảng này cung cấp các thông tin cụ thể về tài sản, khoản đầu tư, khoản phải thu, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ tại một thời điểm nhất định như cuối tháng, cuối quý hoặc cuối năm.

Bảng cân đối kế toán thể hiện nguồn vốn, tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp
Bảng cân đối kế toán thể hiện nguồn vốn, tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp

Tài sản bao gồm:

  • Tiền hoặc khoản tương đương với tiền
  • Tài sản cố định, hàng tồn kho
  • Các khoản phải thu, các khoản đầu tư tài chính
  • Các khoản bất động sản đầu tư
  • Chi phí xây dựng cơ bản đang dở dang
  • Các tài sản khác

Nợ phải trả gồm:

  • Nợ phải trả cho người bán, tiền lương cho người lao động
  • Người mua trả tiền trước, khoản cần trả cho nội bộ về vốn kinh doanh
  • Khoản phải nộp cho Nhà nước
  • Quỹ khen thưởng phúc lợi, khoản tiền dự phòng phải trả
  • Khoản phải trả khác

Nguồn vốn:

  • Vốn của chủ sở hữu
  • Nguồn kinh phí và các loại quỹ khác

2.2. Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bao gồm tất cả các khoản liên quan đến hiệu quả bán hàng như: doanh thu, chi phí, thuế và lợi nhuận. Cụ thể:

  • Doanh thu/doanh thu thuần từ việc kinh doanh bán hàng và cung cấp dịch vụ
  • Lợi nhuận/lợi nhuận gộp về kinh doanh bán hàng và cung cấp dịch vụ
  • Lợi nhuận thuần từ các hợp đồng kinh doanh
  • Chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp
  • Giá vốn hàng hóa kinh doanh
  • Tổng lợi nhuận kế toán đạt được trước thuế
  • Chi phí thuế Thu nhập Doanh nghiệp hiện hành
  • Chi phí thuế Thu nhập Doanh nghiệp hoãn lại
  • Lợi nhuận sau thuế Thu nhập Doanh nghiệp
  • Lãi cơ bản trên cổ phiếu, lãi suy giảm trên cổ phiếu

Các khoản thu nhập khác, chi phí khác và lợi nhuận khác cũng đều được ghi nhận tại bảng này để tính lợi nhuận và số tiền thuế cần nộp trong kỳ của doanh nghiệp.

Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

2.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh hoạt động ra – vào dòng tiền của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định với các mục đích: Kinh doanh, đầu tư và tài chính.

Đây chính là báo cáo thể hiện tình trạng “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp.

  • Doanh nghiệp còn khả năng thanh toán không?
  • Tình hình sử dụng tiền và khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu như thế nào?

Nhiều công ty có doanh thu cao nhưng dòng tiền vào kém do khách hàng nợ chưa thanh toán. Đến khi các khoản nợ không thể thu hồi quá nhiều có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn lớn trong điều tiết nguồn vốn và làm tăng chi phí dự phòng gây ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư trong ngắn hạn và lâu dài.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Phần mềm kế toán online MISA AMIS đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ kế toán theo thông tư 133, thông tư 200, giúp kế toán xóa tan nỗi lo báo cáo tài chính: hỗ trợ quyết toán BCTC chính xác, kịp thời, tự động phát hiện sai lệch trên chứng từ, sổ sách, báo cáo và gợi ý nội dung diễn giải trong thuyết minh BCTC…

2.4. Bản thuyết minh báo cáo tài chính

Bản thuyết minh báo cáo tài chính giúp cơ quan thuế hiểu rõ và chi tiết các nội dung thể hiện trong báo cáo tài chính, nắm được tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời giúp người quản lý công ty nắm bắt được tình trạng sản xuất – kinh doanh thực tế để đưa ra định hướng phát triển phù hợp trong tương lai.

Trong bản Thuyết minh báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải cung cấp các thông tin về:

  • Chế độ kế toán áp dụng
  • Hình thức kế toán
  • Nguyên tắc ghi nhận
  • Phương pháp tính giá
  • Hạch toán hàng tồn kho
  • Phương pháp trích khấu hao tài sản cố định…

3. Các loại báo cáo tài chính phổ biến hiện nay

3.1. Chia theo nội dung phản ánh trong báo cáo

Nếu xét theo nội dung phản ánh trong báo cáo thì có 2 loại chính là:

  • Báo cáo tài chính hợp nhất: Là báo cáo tổng hợp toàn bộ tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp, gồm:
    • Công ty mẹ quản lý.
    • Các công ty con trong cùng hệ sinh thái.
    • Các công ty liên kết.
  • Báo cáo tài chính riêng lẻ: Là báo cáo phản ảnh tình hình tài chính, kinh doanh của một doanh nghiệp

3.2. Chia theo thời điểm lập báo cáo

Nếu xét theo thời điểm lập báo cáo thì có 2 loại chính là:

  • Báo cáo tài chính hằng năm: Được thiết lập theo năm dương lịch hoặc kỳ kế toán đảm bảo đủ 12 tháng  khi có thông báo của cơ quan thuế.
  • Báo cáo tài chính giữa niên độ: Được thiết lập theo từng quý của năm tài chính cùng với báo cáo tài chính bán niên

4. Quy định về báo cáo tài chính

4. 1. Thời hạn nộp báo cáo tài chính

– Thời hạn chậm nhất để doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

– Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế với các doanh nghiệp chia tách, hợp nhất, sáp nhập,… chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia tách, sáp nhập….

4.2. Mức phạt khi nộp chậm hoặc lập sai báo cáo tài chính

4.2.1. Vi phạm về tài khoản kế toán

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với các hành vi dưới đây:

  • Hạch toán không đúng nội dung
  • Sửa đổi nội dung, phương pháp hạch toán hoặc mở thêm tài khoản kế toán mà chưa được Bộ Tài chính chấp thuận.
  • Không thực hiện đúng hệ thống tài khoản kế toán đã được ban hành.

Với 2 trường hợp đầu tiên, mức phạt trên chỉ áp dụng với cá nhân vi phạm. Trường hợp tập thể vi phạm thì sẽ bị phạt tiền gấp đôi.

4.2.2. Vi phạm về lập và trình bày báo cáo tài chính

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với các hành vi:

  • Lập BCTC không đầy đủ hoặc không đúng quy định.
  • BCTC thiếu chữ ký.
  • Trường hợp tập thể vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp đôi.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với các hành vi:

  • Lập không đầy đủ BCTC.
  • Áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác so với quy định chuẩn mực và chế độ kế toán.

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng với các hành vi sau:

  • Không lập BCTC theo quy định
  • Lập BCTC không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán.
  • Lập và trình bày BCTC không tuân thủ chế độ và chuẩn mực kế toán.

Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng với các hành vi sau:

  • Giả mạo BCTC, khai man số liệu nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự.
  • Thỏa thuận hoặc thực hiện ép buộc người khác giả mạo BCTC, khai man số liệu trên BCTC nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Cố ý hoặc thỏa thuận với người khác nhằm cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với các trường hợp sau:

  • Không lập BCTC hoặc lập không đầy đủ nội dung
  • Lập và trình bày BCTC không rõ ràng, nhất quán.
  • Nộp BCTC, báo cáo quyết toán cho Cơ quan nhà nước chậm từ 1-3 tháng.
  • Công khai BCTC không đầy đủ nội dung.
  • Công khai BCTC chậm từ 1-3 tháng
  • Hạch toán không đúng nội dung quy định của tài khoản kế toán.
  • Sửa nội dung, phương pháp hạch toán của tài khoản kế toán mà không được Bộ tài chính chấp thuận.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với các hành vi:

  • Không áp dụng đúng hệ thống tài khoản cho lĩnh vực của đơn vị.
  • Không thực hiện đúng hệ thống tài khoản đã được chấp thuận.
  • Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng với các hành vi:
  • Nộp BCTC chậm quá 3 tháng.
  • Lập BCTC không chính xác.
  • Giả mạo BCTC, khai man số liệu.
  • Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo BCTC.
  • Cố ý thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin sai sự thật
  • Công khai BCTC chậm quá 3 tháng.
  • Sai thông tin, số liệu trên BCTC.
  • Nộp BCTC không đính kèm báo cáo kiểm toán khi cần thiết.

Như vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo nộp hệ thống báo cáo tài chính đủ, chính xác và đúng thời hạn. Phần mềm kế toán ra đời giúp doanh nghiệp đáp ứng một phần các yêu cầu này như cung cấp hệ thống báo cáo tài chính đủ theo mẫu quy định tại thông tư. Phần mềm kế toán MISA SME kế toán còn giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian lập báo cáo vì có tích hợp tính năng tự động lên bộ báo cáo tài chính từ dữ liệu đã có.

>> NHẬN TƯ VẤN PHẦN MỀM KẾ TOÁN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY <<

5. Hướng dẫn lập báo cáo tài chính

Nguyên tắc lập báo cáo tài chính

Căn cứ theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC để lập báo cáo tài chính doanh nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Tuân thủ các Chuẩn mực kế toán
  • Phản ánh đúng bản chất kinh tế
  • Tài sản không được ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi; Nợ phải trả không được ghi nhận thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán.
  • Tài sản và nợ phải trả phải được trình bày thành: ngắn hạn, dài hạn và sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần đồng thời trình bày riêng biệt.
  • Các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí phải được trình bày theo nguyên tắc phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng

Chi tiết: 7 nguyên tắc lập báo cáo tài chính theo TT 200

Quy trình lập báo cáo tài chính

Để lập báo cáo tài chính bạn thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Sắp xếp những chứng từ kế toán
  • Bước 2: Hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
  • Bước 3: Phân loại các nghiệp vụ phát sinh theo tháng, quý
  • Bước 4: Rà soát và tổng hợp các nghiệp vụ phát sinh theo từng nhóm tài khoản
  • Bước 5: Bút toán tổng hợp và kết chuyển
  • Bước 6: Lập báo cáo tài chính trên phần mềm HTKK

Chi tiết: 6 bước lập báo cáo tài chính NHANH – CHUẨN pháp luật

6. Giải đáp thắc mắc về báo cáo tài chính

6.1. Làm thế nào để có thể đọc báo cáo tài chính

BCTC được dùng để thống kê và phản ánh tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả việc quản lý ngân sách của doanh nghiệp. Do đó, BCTC không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp mà còn là cơ sở đánh giá của những cơ quan nhà nước và những đối tác. Để biết cách đọc báo cáo tài chính, hãy tham khảo bài viết xem thêm dưới đây.

Xem thêm: [Mới] Hướng dẫn cách đọc báo cáo tài chính nhanh chóng

6.2. Làm thế nào để phân tích báo cáo tài chính?

Phân tích báo cáo tài chính là một trong những hoạt động không thể thiếu khi đọc báo cáo tài chính. Để biết cách phân tích báo cáo tài chính, hãy tham khảo bài viết xem thêm.

Xem thêm: [Mới] Hướng dẫn cách phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp

6.3. Báo cáo tài chính hợp nhất được hiểu như thế nào?

Báo cáo tài chính hợp nhất là một trong những tài liệu quan trọng được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của công ty mẹ và công ty con. Để biết các thông tin chi tết về BCTC hợp nhất, hãy tham khảo bài viết xem thêm.

Xem thêm: Báo cáo tài chính hợp nhất là gì? Cách lập báo cáo tài chính hợp nhất

6.4. Làm thế nào để xử lý BCTC sai sót?

Trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính, khó tránh khỏi những sai sót có thể xảy ra khi quản lý khối lượng dữ liệu lớn và phức tạp. Để xử lý BCTC sai sót, hãy xem bài viết dưới đây.

Xem thêm: Hướng dẫn cách xử lý báo cáo tài chính sai sót

6.5. Mẫu thuyết minh BCTC

Thuyết minh báo cáo tài chính là một phần không thể tách rời của báo cáo tài chính doanh nghiệp. Để tìm hiểu 2 mẫu thuyết minh BCTC, hãy xem bài viết xem thêm.

Xem thêm: Mẫu thuyết minh báo cáo tài chính theo thông tư 200 và TT 133

Tạm kết

Trên đây là các thông tin liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để giúp kế toán tổng hợp, kế toán trưởng theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hóa đơn một cách nhanh chóng, chính xác thông qua các báo cáo, biểu đồ trực quan, MISA tiên phong ra mắt Phần mềm hóa đơn điện tử meInvoice.

hddt ket noi

MISA meInvoice đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và có thể kết nối trực tiếp với Tổng Cục Thuế. Qua đó, giúp quá trình thông báo phát hành hóa đơn của khách hàng diễn ra nhanh chóng, tiện lợi hơn và tăng độ tin cậy, tính pháp lý cho hóa đơn của doanh nghiệp.