Mức trọng yếu là một thuật ngữ được sử dụng phổ trong Báo cáo kiểm toán. Vậy mức trọng yếu là gì? Làm sao để xác định mức trọng yếu? Mời bạn tham khảo thông tin liên quan trong bài viết sau đây của MISA MeInvoice.
Lưu ý: Trước khi tìm hiểu về mức trọng yếu trong kiểm toán, bạn có thể tìm hiểu trước những thông tin cần biết về kiểm toán trong bài viết xem thêm dưới đây.
|
1. Mức trọng yếu là gì?
Theo VSA 320 – Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, thuật ngữ “mức trọng yếu” trong lập kế hoạch và thực hiện Kiểm toán được hiểu như sau:
Trọng yếu là thuật ngữ dùng để thể hiện tầm quan trọng của một thông tin (một số liệu kế toán) trong báo cáo tài chính. Thông tin được coi là trọng yếu có nghĩa là nếu thiếu thông tin đó hoặc thiếu tính chính xác của thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.
Mức trọng yếu là một mức giá trị do kiểm toán viên xác định tùy thuộc vào tầm quan trọng, tính chất của thông tin hoặc sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Mức trọng yếu được xem là một ngưỡng, một điểm chia cắt chứ không phải là nội dung của thông tin cần phải có. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét cả trên phương diện định lượng và định tính.
Nhìn chung, mức trọng yếu được hiểu như sau:
– Là những sai sót, bao gồm cả việc bỏ sót khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại, được xem xét ở mức độ hợp lý, có thể gây ảnh hưởng tới quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính;
– Là những xét đoán về mức trọng yếu thực hiện trong các trường hợp cụ thể, và bị ảnh hưởng bởi quy mô hoặc bản chất của sai sót hoặc được tổng hợp của cả 2 yếu tố trên;
– Là những xét đoán về các vấn đề trọng yếu đối với người sử dụng báo cáo tài chính phải dựa trên việc xem xét các nhu cầu chung về thông tin tài chính của nhóm người sử dụng, như các nhà đầu tư, ngân hàng, chủ nợ,… Những ảnh hưởng có thể xảy ra các sai sót đến một số ít người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính mà trong đó nhu cầu của họ có nhiều khác biệt so với phần lớn những người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính sẽ không được xét đến.
2. Ảnh hưởng của mức trọng yếu đối với kiểm toán viên
Việc xác định mức trọng yếu mang tính xét đoán chuyên môn và phụ thuộc vào nhận thức của kiểm toán viên về nhu cầu của người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính. Trong trường hợp cần xác định mức độ trọng yếu, kiểm toán viên có thể giả định rằng người sử dụng báo cáo tài chính:
– Có sự hiểu biết hợp lý về hoạt động kinh doanh, tình hình kinh tế và tài chính, kế toán và quan tâm nghiên cứu thông tin trên báo cáo tài chính với sự cẩn trọng một cách hợp lý;
– Hiểu rằng báo cáo tài chính được lập ra, trình bày và được kiểm toán trên cơ sở mức trọng yếu;
– Nhận thức được tính không chắc chắn tiềm tàng trong việc xác định giá trị do việc sử dụng các ước tính kế toán, các xét đoán và yếu tố của các sự kiện xảy ra trong tương lai;
– Đưa ra những quyết định kinh tế hợp lý dựa trên cơ sở các thông tin trên báo cáo tài chính.
Mục tiêu của kiểm toán viên hoặc các công ty kiểm toán là áp dụng khái niệm mức trọng yếu khi lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán một cách phù hợp.
3. Cách xác định mức độ trọng yếu
a) Mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính hoặc thông tin tài chính được kiểm toán là giá trị tối đa của toàn bộ sai sót trên báo cáo Tài chính hoặc thông tin tài chính được kiểm toán mà Kiểm toán viên cho rằng từ mức đó trở xuống, báo cáo Tài chính có thể bị sai nhưng chưa ảnh hưởng đến quyết định của các đối tượng sử dụng thông tin.
b) Mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính được xác định dựa trên giá trị tiêu chí được lựa chọn và tỷ lệ phần trăm (%) tương ứng với giá trị tiêu chí đó.
Mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính = Tỷ lệ phần trăm (%) xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính X Giá trị tiêu chí được lựa chọn xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính |
c) Chọn tiêu chí để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể của Báo cáo Tài chính:
– Tùy từng theo từng loại hình doanh nghiệp, để lựa chọn tiêu chí phù hợp nhằm xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính có thể được lựa chọn từ một hoặc một số chỉ tiêu quan trọng nhất trong các yếu tố của Báo cáo Tài chính: Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế; Tổng doanh thu; Tổng chi phí; Tổng tài sản;…
– Việc chọn tiêu chí để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính phụ thuộc vào xét đoán chuyên môn của Kiểm toán viên theo các yếu tố sau:
- Những khoản mục của Báo cáo Tài chính mà đối tượng sử dụng thông tin thường quan tâm;
- Đặc điểm hoạt động của đơn vị được kiểm toán, đặc điểm của ngành nghề, lĩnh vực và môi trường hoạt động của đơn vị; môi trường kiểm soát của doanh nghiệp; mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp; tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
- Sự thay đổi tiêu chí lựa chọn khi phát sinh yếu tố bất thường.
– Trường hợp cần phải chọn nhiều tiêu chí để xác định mức trọng yếu thì mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính là giá trị thấp nhất xác định được từ các tiêu chí trên.
– Khi lựa chọn chỉ tiêu hợp lý để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính dựa trên các chỉ tiêu trên. Kiểm toán viên cần phản ánh trong hồ sơ kiểm toán những diễn giải chi tiết lý do lựa chọn của mình.
d) Khung tỷ lệ để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính:
– Kiểm toán viên xây dựng khung tỷ lệ được sử dụng để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính là một khoảng tỷ lệ phần trăm (%) tương ứng với mỗi giá trị tiêu chí được lựa chọn chi tiết như sau:
Bảng 1. Khung tỷ lệ cho từng tiêu chí để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính
STT | Mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo tài chính |
1 | 3-10% Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế |
2 | 0,5-3% Tổng doanh thu |
3 | 0,5-3% Tổng chi phí |
4 | 0,5-3% Tổng vốn chủ sở hữu |
5 | 0,5-2% Tổng tài sản |
– Khung tỷ lệ nêu trên cung cấp định hướng cho Kiểm toán viên khi đưa ra các xét đoán trong việc xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính. Trong một số trường hợp nhất định, tỷ lệ % xác định mức trọng yếu có thể vượt khung hướng dẫn nói trên nếu như Kiểm toán viên xét đoán rằng mức trọng yếu đó là phù hợp. Trong trường hợp này, kiểm toán viên cần phản ánh trong hồ sơ kiểm toán những diễn giải chi tiết hơn về nguyên nhân và xác định mức trọng yếu vượt quá khung, mức trọng yếu vượt khung này phải được sự đồng ý của Lãnh đạo Kiểm toán viên.
– Việc xác định tỷ lệ trong khung cần lưu ý phụ thuộc vào đánh giá của Kiểm toán viên, trên cơ sở xem xét các thông tin: Đặc điểm, môi trường và quy mô kinh doanh, tính chất phức tạp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,…
4. Cách xác định mức trọng yếu và mức trọng yếu thực hiện khi lập kế hoạch kiểm toán
Khi lập chiến lược kiểm toán tổng thể, kiểm toán viên cần phải xác định mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính. Trong các trường hợp cụ thể của đơn vị được kiểm toán, nếu có một hoặc một số nhóm các giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh (nếu xét riêng lẻ) có sai sót với mức thấp hơn mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính nhưng có thể ảnh hưởng (nếu xét tổng thể) đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải xác định mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu áp dụng cho từng nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh.
Kiểm toán viên cần phải xác định mức trọng yếu cho việc thực hiện cho mục đích đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu và xác định nội dung, lịch trình, phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo trong quá trình kiểm toán.
5. Cách sửa đổi mức trọng yếu trong quá trình kiểm toán
Kiểm toán viên phải sửa đổi mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính và mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu cho các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh trong trường hợp kiểm toán viên có thêm thông tin trong quá trình kiểm toán mà có thể dẫn đến việc thay đổi mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu so với mức xác định trước đó.
Trong trường hợp kiểm toán viên kết luận rằng việc áp dụng một mức trọng yếu thấp hơn mức trọng yếu đã xác định trước đó đối với tổng thể báo cáo tài chính và mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu cho các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh phù hợp thì kiểm toán viên phải xác định xem có cần phải sửa đổi lại mức trọng yếu thực hiện, và xem nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo có còn phù hợp hay không.
Tạm kết
Trên đây là các thông tin liên đến trọng yếu trong kiểm toán. Bên cạnh đó, để giúp kế toán tổng hợp, kế toán trưởng theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hóa đơn một cách nhanh chóng, chính xác thông qua các báo cáo, biểu đồ trực quan, MISA tiên phong ra mắt Phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.
MeInvoice đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và có thể kết nối trực tiếp với Tổng Cục Thuế. Qua đó, giúp quá trình thông báo phát hành hóa đơn của khách hàng diễn ra nhanh chóng, tiện lợi hơn và tăng độ tin cậy, tính pháp lý cho hóa đơn của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp, kế toán viên quan tâm phần mềm MISA meInvoice & có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm với đầy đủ tính năng trong 7 ngày, vui lòng ĐĂNG KÝ tại đây: