Home Kiến thức Hướng dẫn hạch toán tài khoản 128 (đầu tư nắm giữ...

[TK 128] Hướng dẫn hạch toán tài khoản 128 (đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn)

20400
tài khoản 128 đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn

Tài khoản 128, tài khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là một trong những tài khoản kế toán được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất. Vậy phương pháp để hạch toán tài khoản này như thế nào? MISA MeInvoice mời bạn đọc cùng tham khảo về những thông tin liên quan trong bài viết này.

1. So sánh tài khoản 128 (TK 128) trong Thông tư 133 và các quy định trước đây

tài khoản 128 đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn

Thông tư 133 Thông tư 200 Quyết định 48

– Tài khoản 128 (TK 128) là Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn

– Tài khoản 1281 (TK 1281) là Tiền gửi có kỳ hạn

– Tài khoản 1288 (TK 1288) là Đầu tư ngắn hạn khác

Tài khoản 128 (TK 128) là Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn

– Tài khoản 1281 (TK 1281) là Tiền gửi có kỳ hạn

– Tài khoản 1282 (TK 1282) là Trái phiếu

– Tài khoản 1283 (TK 1283) là Cho vay

– Tài khoản 1288 (TK 1288) là Đầu tư ngắn hạn khác

Không có Tài khoản 128 (TK 128)

2. Nguyên tắc kế toán đối với Tài khoản 128 (TK 128) – Tài khoản về Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn

Tài khoản 128 (TK 128) là tài khoản được quy định dùng để hạch toán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Đây là một trong các tài khoản kế toán có nhiều thay đổi trong cách hạch toán của Thông tư 133/2016/TT-BTC so với các quy định trước đây.

a) Tài khoản 128 (TK 128) được doanh nghiệp dùng để có thể phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng hoặc giảm của các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (ngoài những khoản chứng khoán kinh doanh) như: Tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn (bao gồm cả trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu), cho vay nắm giữ đến ngày đáo hạn với mục đích để thu lãi hàng kỳ và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khác.

Tài khoản 128 (TK 128), theo quy định, không được dùng để phản ánh các công cụ nợ nắm giữ vì mục đích mua bán để kiếm lời (phản ánh trong Tài khoản 121 (TK 121) – Chứng khoán kinh doanh).

b) Khoản đầu tư được doanh nghiệp nắm giữ đến ngày đáo hạn cần phải được ghi sổ kế toán theo giá gốc, bao gồm: Giá mua cộng (+) các chi phí mua (nếu có) như sau: chi phí môi giới, giao dịch, thuế, lệ phí, cung cấp thông tin và phí ngân hàng.

c) Kế toán viên phải mở sổ chi tiết theo dõi cụ thể từng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn theo từng kỳ hạn, từng đối tượng, từng số lượng và từng loại nguyên tệ, … Khi lập Báo cáo tài chính (BCTC), kế toán viên cần dựa theo kỳ hạn còn lại (dưới 12 tháng hay từ 12 tháng trở lên kể từ thời điểm lập BCTC) để trình bày là tài sản ngắn hạn hoặc dài hạn.

d) Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải hạch toán một cách đầy đủ, chi tiết và kịp thời doanh thu hoạt động tài chính phát sinh từ những khoản đầu tư như: lãi tiền gửi, lãi vay, lỗ khi thanh lý tài sản, nhượng bán các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn…

đ) Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải hạch toán đầy đủ, chi tiết và kịp thời các khoản thu nhập từ hoạt động đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Trường hợp nếu doanh nghiệp nhận lãi đầu tư (đã bao gồm cả khoản lãi đầu tư dồn tích trước khi mua lại khoản đầu tư đó) thì kế toán viên có trách nhiệm phân bổ số tiền lãi này. Chỉ ghi nhận là doanh thu hoạt động tài chính phần tiền lãi của các kỳ sau khi doanh nghiệp đã mua khoản đầu tư này. Trước khi doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư, khoản tiền lãi dồn tích được ghi giảm giá trị của chính khoản đầu tư đó.

e) Đối với những khoản đầu tư hiện tại doanh nghiệp nắm giữ đến ngày đáo hạn khác ngoài khoản cho vay, kế toán viên cần đánh giá được khả năng thu hồi. Trường hợp doanh nghiệp có bằng chứng chắc chắn chứng minh được rằng một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư có khả năng không thu hồi được, kế toán viên cần phải ghi nhận số tổn thất vào chi phí tài chính trong kỳ. Trường hợp số tổn thất không thể xác định, dự đoán được một cách đáng tin cậy, kế toán có thể không ghi giảm khoản đầu tư nhưng cần thuyết minh trên Báo cáo tài chính (BCTC) về khả năng thu hồi của khoản đầu tư.

g) Tại thời điểm doanh nghiệp lập Báo cáo tài chính (BCTC), kế toán viên cần đánh giá lại tất cả các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đã được phân loại là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá chuyển khoản trung bình cuối kỳ của ngân hàng nơi doanh nghiệp có giao dịch thường xuyên.

Về việc:

– Xác định tỷ giá chuyển khoản trung bình

– Xử lý chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ

Kế toán viên sẽ thực hiện theo quy định tại phần hướng dẫn Tài khoản 413 (TK 413) – Chênh lệch tỷ giá hối đoái.

3. Kết cấu và nội dung TK 128 (Tài khoản 128) – Tài khoản về Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn

kết cấu và nội dung tài khoản 128

Bên Nợ gồm có:

– Giá trị của các khoản đầu tư được nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng.

Bên Có gồm có:

– Giá trị của các khoản đầu tư được nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm.

Số dư bên Nợ:

– Giá trị của các khoản đầu tư được nắm giữ đến ngày đáo hạn hiện đang có tại thời điểm báo cáo.

Tài khoản 128 (TK 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gồm có 2 tài khoản cấp 2:

– TK 1281 (Tài khoản 1281) – TK Tiền gửi có kỳ hạn: Phản ánh tình hình tăng hoặc giảm và số hiện có của tiền gửi có kỳ hạn.

– TK 1288 (Tài khoản 1288) – TK Các khoản đầu tư khác được nắm giữ đến ngày đáo hạn: Phản ánh tình hình tăng hoặc giảm và số hiện có của các khoản đầu tư khác nắm giữ đến ngày đáo hạn như: cổ phiếu ưu đãi bắt buộc bên bán cần phải mua lại tại một thời điểm nhất định trong tương lai, trái phiếu, thương phiếu cùng các khoản cho vay nắm giữ đến ngày đáo hạn.

4. Các phương pháp hạch toán đối với TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn

4.1. Khi doanh nghiệp gửi tiền có kỳ hạn, cho vay, mua các khoản đầu tư để nắm giữ đến ngày đáo hạn bằng tiền

  • Nợ TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn
  • Có các Tài Khoản: TK 111 (Tài khoản 111) – Tiền mặt; TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi ngân hàng.

4.2. Định kỳ kế toán ghi nhận khoản phải thu của lãi tiền gửi, lãi trái phiếu và lãi cho vay của doanh nghiệp

  • Nợ TK 138 (Tài khoản 138) – Phải thu khác (1388)
  • Nợ TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (lãi nhập gốc)
  • Có TK 515 (Tài khoản 515) – TK Doanh thu hoạt động tài chính.

4.3. Khi doanh nghiệp thu hồi các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn

  • Nợ các Tài khoản: TK 112 – Tiền gửi ngân hàng; TK 111 – Tiền mặt; TK 131 – Phải thu của khách hàng; TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu; TK 156 – Hàng hóa; TK 211 – Tài sản cố định hữu hình,… (theo giá trị thu hồi)
  • Nợ TK 635 (Tài khoản 635) – Chi phí tài chính (nếu lỗ)
  • Có TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (giá trị ghi sổ)
  • Có TK 515 (Tài khoản 515) – TK Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi).

4.4. Doanh nghiệp chuyển đổi những khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn thành đầu tư vào đơn vị khác

  • Nợ TK 228 (Tài khoản 228) – Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (theo giá trị hợp lý)
  • Nợ TK 635 (Tài khoản 635) – Chi phí tài chính (nếu lỗ)
  • Có TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (giá trị ghi sổ)
  • Có các Tài khoản liên quan (nếu cần phải đầu tư thêm)
  • Có TK 515 (Tài khoản 515) – TK Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi).

4.5. Kế toán các giao dịch liên quan đến những khoản cho vay:

a) Trường hợp nếu cho vay nhận lãi trước:

– Khi cho vay nhận lãi trước, kế toán ghi như sau:

  • Nợ TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1288)
  • Có các Tài khoản: TK 111 (Tài khoản 111) – Tiền mặt; TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi ngân hàng;… (số tiền thực chi)
  • Có TK 3387 (Tài khoản 3387) – Doanh thu chưa thực hiện (phần lãi nhận trước).

– Định kỳ, tính và kết chuyển lãi của kỳ kế toán theo số lãi phải thu của từng kỳ, ghi:

  • Nợ TK 3387 (Tài khoản 3387) – Doanh thu chưa thực hiện
  • Có TK 515 (Tài khoản 515) – TK Doanh thu hoạt động tài chính.

– Thu hồi giá gốc của khoản cho vay khi đến hạn, kế toán ghi:

  • Nợ các Tài khoản: TK 111 (Tài khoản 111) – Tiền mặt; TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi ngân hàng.
  • Có TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1288).

b) Trường hợp nếu cho vay nhận lãi định kỳ:

– Khi cho vay, kế toán ghi:

  • Nợ TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1288)
  • Có các Tài khoản: TK 111 (Tài khoản 111) – Tiền mặt; TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi ngân hàng.

– Định kỳ ghi nhận tiền lãi cho vay:

  • Nợ các Tài khoản: TK 111 (Tài khoản 111) – Tiền mặt; TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi ngân hàng; TK 138 (Tài khoản 138) – Phải thu khác
  • Có TK 515 (Tài khoản 515) – TK Doanh thu hoạt động tài chính.

– Thu hồi gốc của khoản cho vay khi đến hạn, kế toán ghi:

  • Nợ các Tài khoản: TK 111 (Tài khoản 111) – Tiền mặt; TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi ngân hàng.
  • Có TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1288).

c) Trường hợp cho vay nhận lãi sau:

– Khi cho vay, kế toán ghi:

  • Nợ TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1288)
  • Có các Tài khoản: TK 111 (Tài khoản 111) – Tiền mặt; TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi ngân hàng.

– Định kỳ tính lãi cho vay cần phải thu và ghi nhận doanh thu theo số lãi phải thu từng kỳ, kế toán ghi:

  • Nợ TK 138 (Tài khoản 138) Phải thu khác (1388)
  • Có TK 515 (Tài khoản 515) – TK Doanh thu hoạt động tài chính.

– Khi đến hạn cần thu hồi nợ gốc của khoản cho vay, hạn thu hồi gốc và lãi cho vay, kế toán ghi:

  • Nợ các Tài khoản: TK 111 (Tài khoản 111) – Tiền mặt; TK 112 – (Tài khoản 112) Tiền gửi ngân hàng;…
  • Có TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1288)
  • Có TK 138 (Tài khoản 138) – Phải thu khác (1388) (số lãi của các kỳ trước)
  • Có TK 515 (Tài khoản 515) – TK Doanh thu hoạt động tài chính (lãi kỳ đáo hạn).

4.6. Đánh giá lại số dư những khoản đầu tư doanh nghiệp nắm giữ đến ngày đáo hạn được phân loại là các khoản mục tiền tệ với gốc ngoại tệ:

– Trường hợp có lãi, ghi:

  • Nợ TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn
  • Có TK 413 (Tài khoản 413) – Chênh lệch tỉ giá hối đoái.

– Trường hợp bị lỗ, ghi:

  • Nợ TK 413 (Tài khoản 413) – Chênh lệch tỉ giá hối đoái
  • Có TK 128 (Tài khoản 128) – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

5. Lời kết

Trên đây là các thông tin liên quan đến hạch toán tài khoản 128 (TK 128) . Bên cạnh đó, để giúp kế toán tổng hợp và kế toán trưởng theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hóa đơn một cách nhanh chóng và chính xác nhất thông qua các báo cáo cùng biểu đồ trực quan, MISA tiên phong ra mắt Phần mềm hóa đơn điện tử MISA MeInvoice.

MISA MeInvoice đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và có thể kết nối trực tiếp với Tổng Cục Thuế. Qua đó, giúp quá trình thông báo phát hành hóa đơn của khách hàng diễn ra cực kỳ nhanh chóng, tiện lợi hơn và tăng độ tin cậy, giá trị pháp lý cho hóa đơn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp, kế toán viên nếu quan tâm phần mềm MISA meInvoice và có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm với đầy đủ tính năng trong vòng 7 ngày, hãy ĐĂNG KÝ tại đây: