Home Kiến thức Kết cấu và nội dung tài khoản 153 (tài khoản công...

[TK 153] Kết cấu và nội dung tài khoản 153 (tài khoản công cụ, dụng cụ)

17667
hạch toán tài khoản 153

Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, nguyên tắc kế toán và phương pháp hạch toán tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ được quy định như thế nào? Mời bạn tham khảo câu trả lời trong bài viết dưới đây của MISA MeInvocie.

1. Nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ

tài khoản 153 công cụ dụng cụ

Tài khoản 153 là tài khoản được kế toán sử dụng để phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động tăng, giảm những loại công cụ, dụng cụ của doanh nghiệp. Công cụ, dụng cụ bao gồm các tư liệu lao động không có đủ các tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng quy định đối với tài sản cố định. Vì vậy công cụ, dụng cụ được quản lý và hạch toán tương tự như nguyên liệu, vật liệu.

a) Theo quy định hiện nay, các tư liệu lao động sau đây nếu không đủ tiêu chuẩn để ghi nhận tài sản cố định thì được ghi nhận là công cụ, dụng cụ:

– Những ván khuôn, đà giáo, công cụ, dụng cụ gá lắp chuyên dùng cho sản xuất xây lắp;

– Những loại bao bì bán kèm theo hàng hóa có tính tiền riêng, tuy nhiên trong quá trình bảo quản hàng hóa vận chuyển trên đường và dự trữ trong kho có tính giá trị hao mòn để trừ dần giá trị của bao bì;

– Những đồ nghề, dụng cụ bằng thủy tinh, sành, sứ;

– Phương tiện quản lý, đồ dùng văn phòng;

– Trang phục, giày dép chuyên dùng để làm việc;…

b) Kế toán hoạt động nhập, xuất, tồn kho công cụ, dụng cụ trên tài khoản 153 được thực hiện theo giá gốc. Nguyên tắc xác định giá gốc đối với việc nhập kho dụng cụ, công cụ được thực hiện như quy định đối với nguyên liệu, vật liệu.

c) Công tác tính giá trị của công cụ, dụng cụ tồn kho cũng được thực hiện theo 1 trong 3 phương pháp sau:

– Nhập trước – Xuất trước;

– Thực tế đích danh;

– Bình quân gia quyền.

d) Kế toán chi tiết đối với công cụ, dụng cụ phải thực hiện theo từng kho, từng loại, từng nhóm, từng thứ công cụ, dụng cụ. Công cụ, dụng cụ được doanh nghiệp xuất dùng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê phải được theo dõi về hiện vật và giá trị trên sổ kế toán chi tiết theo nơi sử dụng, theo đối tượng thuê và người chịu trách nhiệm vật chất. Đối với công cụ, dụng cụ có giá trị lớn, quý hiếm phải có thể thức bảo quản đặc biệt.

đ) Khi doanh nghiệp xuất dùng những công cụ, dụng cụ có giá trị nhỏ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cần phải ghi nhận toàn bộ 01 lần vào chi phí sản xuất, kinh doanh.

e) Trường hợp dụng cụ, công cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê xuất dùng hoặc cho thuê liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều kỳ kế toán thì kế toán ghi nhận vào tài khoản 242 – Chi phí trả trước và doanh nghiệp phân bổ dần vào mục chi phí sản xuất, kinh doanh.

g) Công cụ, dụng cụ liên quan đến các giao dịch bằng ngoại tệ được thực hiện theo Điều 69 (quy định về hướng dẫn phương pháp kế toán chênh lệch tỉ giá hối đoái).

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ

✅Bên Nợ – Trị giá thực tế của các dụng cụ, công cụ được doanh nghiệp nhập kho do mua ngoài, tự chế, thuê ngoài gia công chế biến, nhận góp vốn;
– Trị giá của các công cụ, dụng cụ mà doanh nghiệp cho thuê nhập lại kho;
– Trị giá thực tế của các công cụ, dụng cụ thừa mà doanh nghiệp phát hiện khi kiểm kê;
– Kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
✅Bên Có – Trị giá thực tế của các công cụ, dụng cụ mà doanh nghiệp xuất kho sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê hoặc góp vốn;
– Chiết khấu thương mại mà doanh nghiệp được hưởng khi mua công cụ, dụng cụ;
– Trị giá của các công cụ, dụng cụ mà doanh nghiệp trả lại cho người bán hoặc được người bán giảm giá;
– Trị giá của các công cụ, dụng cụ thiếu mà doanh nghiệp phát hiện trong kiểm kê;
– Kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
✅Số dư bên nợ – Trị giá thực tế của các công cụ, dụng cụ tồn kho của doanh nghiệp.
✅Có 4 tài khoản cấp 2 – Tài khoản 1531 – Công cụ, dụng cụ: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động của những loại công cụ, dụng cụ.
– Tài khoản 1532 – Bao bì luân chuyển: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động của những loại bao bì luân chuyển được doanh nghiệp sử dụng cho việc sản xuất, kinh doanh. Bao bì luân chuyển là những loại bao bì được sử dụng nhiều lần, cho nhiều chu kỳ sản xuất, kinh doanh. Trị giá của bao bì luân chuyển khi xuất dùng được doanh nghiệp phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh của nhiều kỳ hạch toán.
– Tài khoản 1533 – Đồ dùng cho thuê: Phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của các loại công cụ, dụng cụ doanh nghiệp chuyên dùng để cho thuê. Chỉ hạch toán vào tài khoản này các công cụ, dụng cụ doanh nghiệp mua vào với mục đích cho thuê, trường hợp không phân biệt được thì hạch toán vào tài khoản 1531. Trường hợp cho thuê công cụ, dụng cụ dùng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì ngoài việc hạch toán trên tài khoản cấp 1 còn phải hạch toán chuyển công cụ, dụng cụ trên tài khoản cấp 2.
– Tài khoản 1534 – Thiết bị, phụ tùng thay thế: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động của các loại thiết bị, phụ tùng thay thế không đủ tiêu chuẩn của tài sản cố định được sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trị giá của các loại thiết bị, phụ tùng thay thế khi xuất dùng được ngay 01 lần vào chi phí sản xuất kinh doanh hoặc phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh nếu được sử dụng như công cụ, dụng cụ.

3. Phương pháp hạch toán đối với một số giao dịch kinh tế của yếu của tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ

hạch toán tài khoản 153

3.1. Trường hợp hạch toán hàng tồn kho bằng phương pháp kê khai thường xuyên

a) Trường hợp doanh nghiệp mua công cụ, dụng cụ nhập kho, nếu thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ thì giá trị của công cụ, dụng cụ được phản ánh theo giá mua chưa có thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn, phiếu nhập kho và các chứng từ có liên quan, ghi là:

  • Nợ Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ (giá chưa có thuế GTGT)
  • Nợ Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (số thuế GTGT đầu vào) (1331)
  • Có các Tài khoản 111, 112, 141, 331,… (tổng giá thanh toán).

Nếu thuế giá trị gia tăng đầu vào không được doanh nghiệp khấu trừ thì giá trị công cụ, dụng cụ mua vào bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.

b) Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán mà doanh nghiệp nhận được sau khi mua công cụ, dụng cụ (kể cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế về bản chất làm giảm giá trị bên mua phải thanh toán) thì kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của công cụ, dụng cụ để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số công cụ, dụng cụ còn tồn kho hoặc số đã xuất dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh:

  • Nợ các Tài khoản 111, 112, 331,….
  • Có Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ (nếu công cụ, dụng cụ còn tồn kho)
  • Có Tài khoản 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (nếu dụng cụ, công cụ đã xuất dùng cho sản xuất kinh doanh) Có các Tài khoản 641, 642 (nếu dụng cụ, công cụ đã xuất dùng cho hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp)
  • Có Tài khoản 242 – Chi phí trả trước (nếu được phân bổ dần)
  • Có Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán (nếu sản phẩm do công cụ, dụng cụ đó cấu thành đã được xác định là tiêu thụ trong kỳ)
  • Có Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).

c) Trường hợp doanh nghiệp trả lại công cụ, dụng cụ đã mua cho người bán, ghi là:

  • Nợ Tài khoản 331 – Phải trả cho người bán
  • Có Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ (giá trị công cụ, dụng cụ trả lại)
  • Có Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có) (thuế GTGT đầu vào của công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán).

d) Phản ánh chiết khấu thanh toán mà doanh nghiệp được hưởng (nếu có), ghi là:

  • Nợ Tài khoản 331 – Phải trả cho người bán
  • Có Tài khoản 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

đ) Doanh nghiệp xuất công cụ, dụng cụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh:

– Nếu giá trị của công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê liên quan đến một kỳ kế toán được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh một lần, ghi là:

  • Nợ các Tài khoản 623, 627, 641, 642
  • Có Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ (1531, 1532).

– Nếu giá trị của công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê liên quan đến nhiều kỳ kế toán được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh, ghi là:

+ Trường hợp doanh nghiệp xuất công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê, ghi là:

  • Nợ Tài khoản 242 – Chi phí trả trước
  • Có Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ.

+ Trường hợp doanh nghiệp phân bổ vào chi phí sản xuất, kinh doanh cho từng kỳ kế toán, ghi là:

  • Nợ các Tài khoản 623, 627, 641,642,…
  • Có Tài khoản 242 – Chi phí trả trước.

– Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu về cho thuê công cụ, dụng cụ, ghi là:

  • Nợ các Tài khoản 111, 112, 131,…
  • Có Tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
  • Có Tài khoản 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

– Trường hợp doanh nghiệp nhận lại công cụ, dụng cụ cho thuê, ghi là:

  • Nợ Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ (1533)
  • Có Tài khoản 242 – Chi phí trả trước (giá trị còn lại chưa tính vào chi phí).

g) Đối với công cụ, dụng cụ nhập khẩu:

– Khi doanh nghiệp nhập khẩu công cụ, dụng cụ, ghi là:

  • Nợ Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ
  • Có Tài khoản 331 – Phải trả cho người bán
  • Có Tài khoản 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312) (nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ)
  • Có Tài khoản 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có).
  • Có Tài khoản 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
  • Có Tài khoản 33381 – Thuế bảo vệ môi trường.

– Nếu thuế Giá trị gia tăng đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi là:

  • Nợ Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ
  • Có Tài khoản 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312).

– Trường hợp doanh nghiệp mua các loại công cụ, dụng cụ có trả trước cho người bán một phần bằng ngoại tệ thì phần giá trị công cụ, dụng cụ tương ứng với số tiền trả trước được kế toán ghi nhận theo tỉ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước. Phần giá trị của công cụ, dụng cụ bằng ngoại tệ chưa trả được kế toán ghi nhận theo tỉ giá giao dịch thực tế tại thời điểm mua công cụ, dụng cụ.

h) Trường hợp doanh nghiệp kiểm kê phát hiện dụng cụ, công cụ thiếu, thừa, mất, hư, hỏng, kế toán xử lý tương tự như đối với nguyên vật liệu.

i) Đối với công cụ, dụng cụ mà doanh nghiệp không cần dùng:

– Khi doanh nghiệp thanh lý, nhượng bán công cụ, dụng cụ kế toán phản ánh giá vốn ghi là:

  • Nợ Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán
  • Có Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ.

– Kế toán phản ánh doanh thu bán công cụ, dụng cụ ghi là:

  • Nợ các Tài khoản 111, 112, 131
  • Có Tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5118)
  • Có Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

3.2. Hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ

a) Đầu kỳ kế toán, kết chuyển trị giá thực tế của các loại công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ, ghi là:

  • Nợ Tài khoản 611 – Mua hàng
  • Có Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ.

b) Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê xác định trị giá của các loại công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ, ghi là:

  • Nợ Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ
  • Có Tài khoản 611 – Mua hàng.

4. Lời kết

Trên đây là các thông tin liên quan đến các phương pháp hạch toán tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ. Bên cạnh đó, để giúp kế toán tổng hợp, kế toán trưởng theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hóa đơn một cách nhanh chóng, chính xác thông qua các báo cáo, biểu đồ trực quan, MISA tiên phong ra mắt Phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.

MeInvoice đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và có thể kết nối trực tiếp với Tổng Cục Thuế. Qua đó, giúp quá trình thông báo phát hành hóa đơn của khách hàng diễn ra nhanh chóng, tiện lợi hơn và tăng độ tin cậy, tính pháp lý cho hóa đơn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp, kế toán viên quan tâm phần mềm MISA meInvoice & có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm với đầy đủ tính năng trong 7 ngày, vui lòng ĐĂNG KÝ tại đây: