Hàng bán bị trả lại là hàng hóa đã được bán nhưng vì một lý do nào đó bị Khách hàng trả lại. Vậy cách xuất hóa đơn hàng bán bị trả lại như thế nào? Hạch toán hàng bán bị trả lại ra sao? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết tại bài viết dưới đây
1. Hàng bán bị trả lại có cần xuất hóa đơn?
Căn cứ theo khoản 1, Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về hóa đơn hàng trả lại như sau:
Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
=> Như vậy, hàng bị trả lại phải xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật.
2. Quy định về hóa đơn hàng bán bị trả lại
2.1. Bên lập hóa đơn xuất trả hàng
Căn cứ theo quy định tại các công văn:
- Công văn 2121/TCT-CS ngày 29/5/2023 của Tổng cục Thuế.
- Công văn số 4511/TCT-CS ngày 11/10/2023 của Tổng cục Thuế.
- Công văn số 8999/CTTPHCM-TTHT ngày 19/07/2023 của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh.
- Công văn số 73896/CTHN-TTHT ngày 16/10/2023 của Cục Thuế TP Hà Nội.
Từ các quy định trên có thể thấy người mua trả lại hàng hóa một phần hoặc toàn bộ do không đúng quy cách, chất lượng cũng như thỏa thuận thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập.
2.2. Mức thuế GTGT phải chịu
Mức thuế GTGT hàng bán bị trả lại phải chịu hiện nay là 8%. Bởi căn cứ theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP và Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định về giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đến tháng 6/2025 đối với một số các mặt hàng, dịch vụ bao gồm hàng hóa bị trả lại.
Ngoài ra, Công văn 2121/TCT-CS của Tổng cục Thuế và Công văn số 8999/CTTPHCM-TTHT của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng có quy định trường hợp hàng hóa được mua bán vào thời điểm thuế GTGT là 8% nhưng sau đó người mua trả lại hàng hóa vào thời điểm đã hết thời hạn giảm thuế thì người bán phải xuất hóa đơn trả hàng với mức thuế suất 8%.
3. Cách xuất hóa đơn trả lại hàng trên MISA meInvoice
Để thực hiện xuất hóa đơn trả lại hàng trên MISA meInvoice bạn thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Đăng nhập phần mềm hóa đơn MISA meInvoice
- Bước 2: Thực hiện xuất hóa đơn trả lại hàng theo 2 cách:
- Cách 1: Xuất Hóa đơn điều chỉnh để ghi giảm tương ứng với hàng bị trả lại
- Cách 2: Xuất hóa đơn thay thế để nội dung thay thế tương ứng với hàng bị trả lại
Cách ghi thông tin trên hóa đơn hàng trả lại
- Nếu bị trả lại một phần hàng hóa:
- Cột Số lượng, Thành tiền, Cộng tiền hàng, Tiền thuế, Tổng tiền thanh toán: Ghi âm
- Cột Đơn giá: bỏ trống
- Nếu bị trả lại toàn bộ hàng hóa/toàn bộ hóa đơn:
- Cột Số lượng, Đơn giá, Thành tiền, Cộng tiền hàng, Tiền thuế, Tổng tiền thanh toán: Ghi âm
Hình minh họa hóa đơn trả hàng cụ thể với:
- Hóa đơn gốc có mặt hàng Áo sơ mi nữ: số lượng 30 cái, Đơn giá 200.000đ, Thành tiền 6.000.000đ
- Người mua trả lại 20 cái thì Hóa đơn điều chỉnh giảm được thể hiện như hình dưới đây:
Lưu ý: Với 2 trường hợp trên, để gõ số âm thì bạn không tích ô “Tự động tính toán số liệu điều chỉnh”
MISA meInvoice – Phần mềm hóa đơn điện tử đứng đầu danh sách được Tổng cục Thuế lựa chọn TƯ VẤN & DEMO 1:1 CÙNG CHUYÊN GIA MIỄN PHÍ! |
4. Cách hạch toán hàng bán bị trả lại theo TT200
Đối với bên bán – Bên bị trả hàng
Khi doanh nghiệp bán hàng, kế toán viên xuất hóa đơn bán hàng cho khách:
- Ghi nhận doanh thu:
Nợ tài khoản 111, 112, 131
Có tài khoản 511
Có tài khoản 33311 (nếu có)
- Ghi nhận giá vốn hàng bán:
Nợ tài khoản 632
Có tài khoản 156
Khi khách hàng trả lại hàng, kế toán viên nhận hóa đơn hàng bán trả lại:
- Ghi nhận giảm trừ doanh thu:
Nợ tài khoản 5212 – Hàng bán bị trả lại (Số tiền chưa thuế)
Nợ tài khoản 33311 (nếu có)
Có tài khoản 111, 112, 131,… Tổng số tiền trên hóa đơn.
- Ghi nhận giảm giá vốn hàng trả lại:
Nợ tài khoản 156
Có tài khoản 632
- Xác định và ghi nhận các chi phí phát sinh liên quan đến hàng bán bị trả lại (nếu có), thực hiện bút toán:
Nợ tài khoản 641
Có tài khoản 111, 112…
Cuối kỳ, kế toán viên thực hiện bút toán hàng bán bị trả lại bao gồm bút toán kết chuyển số doanh thu từ hàng bán bị trả lại trong kỳ:
Nợ tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có tài khoản 5212 – Hàng bán bị trả lại
Đối với bên mua – Bên trả hàng
Khi doanh nghiệp mua hàng, kế toán viên thực hiện bút toán để ghi nhận việc nhập hàng:
- Ghi tăng hàng hóa:
Nợ tài khoản 156, 152, 153, 211
Nợ tài khoản 1331 (nếu có)
Có tài khoản 1111, 1121, 331
Khi trả lại hàng mua cho bên bán, kế toán viên ghi nhận việc giảm giá trị hàng:
- Ghi nhận giảm giá trị hàng mua:
Nợ tài khoản 1111, 1121, 331 – Số tiền được trả lại
Có tài khoản 156, 152, 153, 211 – Hàng hóa trả lại (Giá chưa thuế)
Có tài khoản 1331 – Thuế GTGT (nếu có)
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách xuất hóa đơn hàng bán bị trả lại cũng như cách hạch toán theo thông tư 200. Nếu bạn có thắc mắc nào khác hãy liên hệ với meInvoice để được giải đáp.
Quý doanh nghiệp, hộ kinh doanh quan tâm nhận ưu đãi & dùng thử MIỄN PHÍ đầy đủ tính năng hóa đơn điện tử MISA meInvoice, vui lòng ĐĂNG KÝ tại: