Home Kiến thức Cách hạch toán chi phí thuế TNDN (TK 821) và lưu ý

Cách hạch toán chi phí thuế TNDN (TK 821) và lưu ý

1412
hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Hạch toán thuế TNDN không chỉ giúp doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định pháp luật mà còn đảm bảo tính minh bạch của sổ sách kế toán. Hãy cùng MISA meInvoice tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về cách hạch toán chi phí thuế TNDN – Tài khoản 821.

1. Tài khoản sử dụng hạch toán chi phí thuế TNDN là tài khoản nào?

Để hạch toán chi phí thuế TNDN, kế toán sử dụng tài khoản 821 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp để hạch toán.

Tài khoản 821 là tài khoản được ghi nhận dựa trên chi phí thuế TNDN, phản ánh các chi phí thuế TNDN phát sinh trong năm và từ đó xác định kết quả hoạt động kinh doanh sau thuế của doanh nghiệp.

hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp

2. Nguyên tắc thực hiện hạch toán chi phí thuế TNDN

Nguyên tắc chung tài khoản 821 – Chi phí thuế TNDN

  • Tài khoản 821 dùng để phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm: chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hànhchi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm làm căn cứ xác định kết quả hoạt động kinh doanh sau thuế của doanh nghiệp trong năm tài chính hiện hành.
  • Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế trong năm và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
  • Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại là số thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải nộp trong tương lai phát sinh từ việc:
    • Ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả trong năm;
    • Hoàn nhập tài sản thuế thu nhập hoãn lại đã được ghi nhận từ các năm trước.
  • Thu nhập thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại là khoản ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ việc:
    • Ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại trong năm;
    • Hoàn nhập thuế thu nhập hoãn lại phải trả đã được ghi nhận từ các năm trước.

Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

  • Hàng quý, kế toán căn cứ vào tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp để ghi nhận số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Cuối năm tài chính, căn cứ vào tờ khai quyết toán thuế:
    • Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp trong năm < Số phải nộp cho năm đó => Kế toán ghi nhận số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thêm vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
    • Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp trong năm > Số phải nộp của năm đó => Kế toán phải ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là số chênh lệch giữa số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp trong năm lớn hơn số phải nộp.
  • Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu liên quan đến khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước => Doanh nghiệp được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm phát hiện sai sót.
  • Đối với các sai sót trọng yếu, kế toán điều chỉnh hồi tố theo quy định của Chuẩn mực kế toán – “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”.
  • Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh vào tài khoản 911 – “Xác định kết quả kinh doanh” để xác định lợi nhuận sau thuế trong kỳ kế toán.

Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại

  • Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải xác định chi phí thuế thu nhập hoãn lại theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Thuế thu nhập doanh nghiệp”.
  • Kế toán không được phản ánh vào tài khoản này tài sản thuế thu nhập hoãn lại hoặc thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ các giao dịch được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu.
  • Cuối kỳ, kế toán phải kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 – “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” vào tài khoản 911 – “Xác định kết quả kinh doanh”.

3. Kết cấu và nội dung phản ánh TK 821

Bên Nợ Bên Có
  • Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm;
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại;
  • Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả (là số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm);
  • Ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm);
  • Kết chuyển chênh lệch giữa số phát sinh bên Có TK 8212 – “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” lớn hơn số phát sinh bên Nợ TK 8212 – “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” phát sinh trong kỳ vào bên Có tài khoản 911 – “Xác định kết quả kinh doanh”.
  • Số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tạm phải nộp được giảm trừ vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã ghi nhận trong năm;
  • Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm hiện tại;
  • Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại và ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm);
  • Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm);
  • Kết chuyển số chênh lệch giữa chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm lớn hơn khoản được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm vào tài khoản 911 – “Xác định kết quả kinh doanh”.
  • Kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ TK 8212 lớn hơn số phát sinh bên Có TK 8212 – “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” phát sinh trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 – “Xác định kết quả kinh doanh”.
    Lưu ý:

Tài khoản 821 – “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp” không có số dư cuối kỳ.

Tài khoản 821- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp có 2 tài khoản cấp 2:

  • Tài khoản 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
  • Tài khoản 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
MISA meInvoice – Phần mềm hóa đơn điện tử đứng đầu danh sách được Tổng cục Thuế lựa chọn
TƯ VẤN & DEMO 1:1 CÙNG CHUYÊN GIA MIỄN PHÍ!

4. Cách hạch toán chi phí thuế TNDN chuẩn quy định

4.1. Hạch toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

  • Hàng quý, khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, ghi:

Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • Khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào NSNN, ghi:

Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

Có TK 111, 112,…

  • Cuối năm tài chính, khi xác định được số thuế TNDN phải nộp ghi:
    • Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm lớn hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, ghi:

Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, kế toán ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:

Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

Có TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

  • Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước, doanh nghiệp được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế thu nhập hiện hành của năm phát hiện sai sót.
    • Nếu được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại, ghi:

Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.

    • Nếu được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm hiện tại, ghi:

Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

  • Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành, ghi:
    • Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

    • Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:

Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

hạch toán chi phí thuế tndn

4.2. Hạch toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại

  • Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả, ghi:

Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại

Có TK 347 – Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.

  • Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc hoàn nhập tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại đã ghi nhận từ các năm trước, ghi:

Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại

Có TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại.

  • Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm), ghi:

Nợ TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.

  • Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm), ghi:

Nợ TK 347 – Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phải trả

Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.

  • Cuối kỳ kế toán, kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại:
    • Nếu TK 8212 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có, thì số chênh lệch ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.

    • Nếu TK 8212 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có, thì số chênh lệch ghi:

Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

5. Lưu ý khi thực hiện hạch toán thuế TNDN

  • Thời hạn thực hiện hạch toán thuế TNDN

Thời hạn thực hiện hạch toán thuế TNDN cũng chính là thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thời hạn quyết toán thuế TNDN như sau:

2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:
a) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;
b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;
c) Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.”

Do đó, thời hạn quyết toán thuế TNDN chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm.

Nếu thời hạn quyết toán thuế năm rơi vào ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và thời hạn nộp tiền thuế được tính dời vào ngày làm việc tiếp theo.

  • Đối tượng thực hiện hạch toán thuế TNDN

Đối tượng áp dụng hạch toán thuế TNDN là các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa/dịch vụ có thu nhập chịu thuế thì phải có nghĩa vụ hạch toán và nộp thuế TNDN.

Đối tượng thực hiện hạch toán thuế TNDN cụ thể bao gồm:

    • Doanh nghiệp được thành lập trong nước theo pháp luật Việt Nam
    • Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không thường trú tại Việt Nam
    • Các cơ sở của doanh nghiệp nước ngoài thường trú tại Việt Nam
    • Các tổ chức hành chính sự nghiệp, hợp tác xã
    • Các tổ chức khác

Khi thực hiện hạch toán thuế TNDN doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ, cẩn thận để đảm bảo số liệu được chính xác, tránh bị sai sót và xử phạt theo quy định pháp luật.

  • Thời hạn nộp thuế

Thời hạn nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN, riêng thời hạn nộp tiền thuế TNDN tạm tính thì DN phải nộp đủ 75% số thuế phát sinh cần phải nộp.

Phần mềm hóa đơn điện tử MISA MeInvoice – Tự động hóa 80% nghiệp vụ xử lý & quản lý hóa đơn đầu vào giúp công việc của kế toán dễ dàng, nhanh chóng, không lo sai sót.

banner phần mềm hóa đơn điện tử misa

Phần mềm mang đến nhiều tiện ích nổi bật như:

  • Tự động ĐỒNG BỘ 100% HÓA ĐƠN từ hàng loạt nhà cung cấp
  • Tự động PHÂN TÍCH, KIỂM TRA & CẢNH BÁO tính chính xác, hợp pháp, hợp lệ của: Thông tin hóa đơn, thông tin chữ ký số, trạng thái hoạt động của người bán; cảnh báo nhà cung cấp nào nằm trong đối tượng rủi ro về thuế
  • Tự động ĐỒNG BỘ HÓA ĐƠN lên phần mềm kế toán
  • Quản lý, lưu trữ hóa đơn tập trung trên 1 nền tảng duy nhất, tránh thất lạc

Để doanh nghiệp dễ dàng sử dụng, MISA hỗ trợ tối đa chi phí triển khai hóa đơn điện tử. Khách hàng có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm hóa đơn điện tử MISA meInvoice của MISA vui lòng ĐĂNG KÝ tại:

Dùng thử hóa đơn điện tử